Thừa Thiên Huế: Âu thuyền gần 60 tỷ đồng “đói” phương tiện tránh trú, neo đậu

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 15:08, 26/12/2019

(TN&MT) - Được đầu tư gần 60 tỷ đồng, với công suất đáp ứng hàng trăm tàu thuyền neo đậu và tránh trú bão cùng một lúc, thế nhưng nhiều năm qua, âu thuyền Lộc Trì (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) vận hành không hiệu quả, thường xuyên “đói” phương tiện bởi nhiều nguyên nhân.

Âu thuyền Lộc Trì được đầu tư với số tiền lớn nhưng chưa phát huy đúng hiệu quả. Ảnh chụp chiều 25/12

Âu thuyền đìu hiu

Qua tìm hiểu của PV, khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Lộc Trì được xây dựng từ tháng 8/2013, tổng vốn đầu tư 58,7 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Dự án gồm các hạng mục như khu neo đậu, các tuyến đê chắn sóng, 2 cầu tàu, tuyến kè bảo vệ bờ kết hợp chắn cát nạo vét và neo bờ, hệ thống điện chiếu sáng... Dự án nhằm phục vụ việc neo đậu, tránh trú bão cho khoảng hơn 400 tàu cá của xã Lộc Trì, các địa phương lân cận và cả các tàu cá ngoại tỉnh.

Thế nhưng, nhiều năm qua, âu thuyền này chưa phát huy đúng hiệu quả, thường xuyên thiếu vắng phương tiện vào tránh trú mưa bão hay neo đậu, dẫn đến sự lãng phí.

Các tuyến đê chắn sóng nằm trơ trọi. Các phao neo không có tàu nào bám trụ

Có mặt ở âu thuyền những ngày này, đập vào mắt PV là khung cảnh âu thuyền rộng lớn nhưng lại khá vắng vẻ, lác đác vài tàu thuyền neo đậu.

Bà con ngư dân Lộc Trì cho hay, ngay từ đầu khâu thiết kế của âu thuyền này đã không ổn. Đội tàu dịch vụ xã bờ của Lộc Trì gần 40 chiếc có công suất từ 400 đến 900 CV đã phát triển từ nhiều năm nay, nhưng thiết kế của âu thuyền chỉ làm cho thuyền từ 35 -200 CV là chưa theo sát với thực tế. Các trụ và phao neo bố trí khoảng cách chỉ là 50m nên neo đậu rất khó, khi có bão rất dễ bị va đập.

Mặt khác, khó khăn lớn nhất hiện nay là luồng lạch trong âu thuyền cũng như luồng ra vào quá cạn. Tới mùa mưa bão, ngư dân cũng chỉ neo đâu cao nhất được một nửa. Tìm hiểu của PV thì ở khu vực này có cửa biển Tư Hiền đang bị bồi lấp trầm trọng khiến tàu cá cũng khó ra vào...

Ông Nguyễn T, ngư dân ở xã Lộc Trì chia sẻ sau mỗi đợt đánh bắt khoảng 20 ngày tàu sẽ cập cảng Thuận An (huyện Phú Vang) hoặc Đà Nẵng. Khi đã bán thủy hải sản xong, ngư dân neo đậu luôn ở Đà Nẵng khoảng 10 ngày để đợi đợt ra khơi mới mà không di chuyển ra neo đậu ở âu thuyền Lộc Trì.

“Dù rất muốn ra âu thuyền Lộc Trì để neo đậu cho gần nhà, an tâm hơn với việc trông giữ tài sản trên tàu, nhưng không thể chỉ vì luồng lạch bị bồi lấp, tàu thuyền không thể di chuyển ra vào”, ông T. nói.

Lác đác vài thuyền nhỏ neo đậu. Ảnh chụp chiều 25/12

Cũng theo người dân, nguyên nhân khác khiến tàu thuyền ít chọn âu thuyền ở Lộc Trì là việc cập cảng và thu mua thủy hải sản thường chậm làm giảm giá trị thủy hải sản. Ngoài ra người dân chia sẻ rằng hệ thống điện lâu lâu cũng gặp trục trặc không thể chiếu sáng về đêm...

Chưa tìm được phương án

Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường, bà Đặng Thị Như Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết: Người dân liên tục “than thở” vì tàu khó vào neo đậu khiến kinh tế gặp khó khăn trong những năm qua. Hiện chủ yếu các tàu thuyền đánh bắt xa bờ trong xã đang neo đậu ở Đà Nẵng. Một số tàu thuyền muốn vào âu thuyền phải di chuyển vào cửa biển Thuận An, sau đó men theo các luồng lạch trên đầm phá Tam Giang- Cầu Hai mới về được âu thuyền Lộc Trì. Nếu luồng lạch từ cửa biển Tư Hiền gần đó vào âu thuyền được khơi thông, không chỉ giúp ngư dân không chỉ Lộc Trì mà cả huyện Phú Lộc có nơi tránh trú bão an toàn.

“Việc luồng lạch bị bồi lấp không chỉ ảnh hưởng đến quá trình neo đậu, tránh trú bão mà còn ảnh hưởng đến việc mạnh dạn đầu tư đóng thuyền mới đánh bắt xa bờ của người dân. Do đó, việc sớm khơi thông luồng lạch, giúp tàu thuyền ra vào khu neo đậu thuận lợi rất cấp thiết hiện nay. Chúng tôi mong cấp trên xem xét”, bà Quỳnh trình bày.

Nhiều hạng mục tại âu thuyền hư hỏng, xuống cấp

Liên quan đến sự việc, ông Hồ Đắc Lộc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Phú Lộc cũng thừa nhận tình trạng trên chủ yếu là do cửa biển Tư Hiền bị bồi lấp nặng khiến khu vực xung quanh đó bị ảnh hưởng.

“Qua nghiên cứu, để khơi thông được luồng lạch từ cửa biển Tư Hiền vào đến âu thuyền cho loại tàu thuyền từ 800 - 1.000 CV có thể di chuyển, phải cần đến số kinh phí khoảng vài trăm tỷ đồng. Tuy nhiên với nguồn lực của huyện hiện nay thì không thể đối ứng được. Hiện tỉnh đã lên phương án nạo vét cửa biển Tư Hiền trong đầu năm 2020, nhưng vẫn còn đoạn từ cửa biển vào âu thuyền Lộc Trì. Huyện đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa có các phương án xử lý. Việc khơi thông luồng lạch phải chờ đợi nguồn vốn từ Trung ương và tỉnh mà thôi...”, ông Lộc thông tin thêm.

Văn Dinh