Hải Dương: Quản lý đất đai lỏng lẻo, người dân mất đất

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 08:45, 26/12/2019

(TN&MT) - UBND xã không có sổ đăng ký sử dụng đất, chẳng còn bản đồ gốc theo Bản đồ 299 được lập ra dựa trên chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ còn mỗi sổ mục kê nhưng lại không là tài liệu đủ tính pháp lý, gia đình cụ Trần Danh Đỉnh ở xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương được giao đất từ năm 1955 không biết dựa vào đâu để đòi lại mảnh đất ao rộng 752 m2 của gia đình mình.

Vấn đề đặt ra, mảnh đất này có chủ được cơ quan chức năng lưu giữ tại sổ sách tên cụ Trần Danh Đỉnh, nhưng lại bị chính quyền coi là đất công của xã.

Khu ao nhà cụ Đỉnh còn lại sau khi xã mở đường.

Cho mượn ao làm dòng chảy, dân mất đất (!?)

Theo đơn của ông Trần Danh Luân, con trai trưởng của cụ Trần Danh Đỉnh, từ năm 1955, gia đình cụ Trần Danh Đỉnh ở thôn Thượng, xã Thái Tân được chính quyền xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương chia đất và ao để sử dụng. Khoảng những năm 1963 - 1964, xã Thái Tân xây dựng hệ thống thủy lợi, nhằm tiêu úng cho cả vùng. Xã đã xây cống, mượn ao của gia đình cụ Đỉnh để làm dòng chảy. Khi đó cụ Đỉnh đang là cán bộ cốt cán của xã nên đã gương mẫu cho xã mượn ao làm dòng chảy tiêu úng. Thực hiện Chỉ thị 299/TTg năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ, về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất trong cả nước (viết tắt là 299), xã Thái Tân đã thống kê, đo vẽ lại bản đồ sử dụng đất. Các tài liệu của 299, nay xã chỉ còn sổ mục kê 299.

Sổ mục kê do cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương lập theo bản đồ 299 có danh sách cụ Trần Danh Đỉnh sở hữu 3 thửa đất, ao.

Bản đồ 299 của xã bị thất lạc, xã không có sổ đăng ký sử dụng đất. Tại sổ mục kê 299 hiện xã còn lưu, hộ cụ Trần Danh Đỉnh có 3 thửa đất gồm thửa số 20, diện tích ao 752 m2, thửa số 21, diện tích đất thổ cư 960 m2 và thửa số 22, diện tích ao 432 m2. Hiện nay Thái Tân chỉ còn sổ mục kê 299 này để làm căn cứ nguồn gốc sử dụng đất của người dân trong xã những năm trước 1993.

Năm 1993, thực hiện Luật đất đai, xã Thái Tân thực hiện đo vẽ lại bản đồ sử dụng đất và lập sổ thống kê sử dụng đất của người dân trong xã. Năm 2002, xã triển khai cấp hàng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ dân, trong đó có gia đình cụ Trần Danh Đỉnh. “Sổ đỏ” được làm có đã lâu, song gia đình cụ Đỉnh vẫn để ở xã, chưa nhận về.

Năm 2003, cụ Đỉnh qua đời, ít lâu sau các con của cụ đi làm ăn xa, về quê mới lấy GCNQSDĐ. Mọi người ngạc nhiên khi 2 mảnh đất ao nhà mình không có trong “sổ đỏ”.

15 năm đi đòi hỏi quyền lợi

Để đòi lại quyền lợi cho mình, cụ Hoàng Thị Mùa, vợ cụ Đỉnh đã làm đơn kiến nghị lên xã, rồi lên huyện Nam Sách, lên UBND tỉnh Hải Dương về việc không hiểu sao bản đồ và sổ mục kê năm 1993 của xã, thửa đất ao rộng 752 m2 của gia đình cụ Đỉnh lại đổi tên chủ sử dụng đất là UBND xã Thái Tân? Gia đình đề nghị chính quyền các cấp kiểm tra làm rõ sự sai lệch về sở hữu đất ao, cấp GCNQSDĐ cho gia đình, nhưng hơn 15 năm qua vẫn chưa được giải quyết.

Làm việc với UBND xã Thái Tân, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường được ông Đinh Ngọc Dậu, Chủ tịch UBND xã giải thích về ao của gia đình cụ Đỉnh: Nếu là ao của các cụ thì đã giải quyết lâu rồi, đây là hệ thống nong dẫn tiêu thoát nước của cả làng An Dật. Còn ao tên ông Đỉnh chỉ là phần giáp đất nhà ai lấy tên nhà ấy? Thực ra rất nhiều ao là của tập thể gần đất nhà ai gọi tên ao nhà ấy.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thái, công chức địa chính xã, cho rằng: Chúng tôi thế hệ sau, giấy tờ sổ sách còn lại đến thời điểm này thế nào chúng tôi thực hiện như thế thế (!?) Tại sao khi đo vẽ hộ ông Đỉnh không có ý kiến, giờ mới nêu ra. Muốn được khẳng định nguồn gốc đất có phải của gia đình cụ Đỉnh hay không phải họp dân, quân, chính, đảng của thôn, họp những người dân trong thôn lại.

Chúng ta hiểu rằng, năm tháng qua đi, đất đai có thể đổi chủ hoặc giữ nguyên. Nhưng đổi vì lý do gì thì chính quyền địa phương Thái Tân phải khẳng định rõ, phải tìm ra bằng chứng cụ thể chứ không thể tự lập luận, giải thích bằng lời theo suy nghĩ của cá nhân, thờ ơ với quyền lợi chính đáng của người dân. Không nên thiếu trách nhiệm rồi đổ lỗi cho người dân, đổ lỗi cho người đã khuất không có ý kiến khi đo vẽ lại bản đồ. Người đã khuất ấy, cụ Trần Danh Đỉnh, là thương binh chống Pháp, nguyên là cán bộ cốt cán trong xã. Vợ cụ là cụ Hoàng Thị Mùa, là con liệt sĩ, những người có công cho quê hương. Sau năm 2003, khi cụ Đỉnh mất, cụ Mùa đã có đơn nhiều lần, gửi lên chính quyền các cấp nhưng vẫn chưa giải quyết cho gia đình, liệu có lý có tình?

Ngược lại dòng thời gian, phóng viên gặp ông Trần Văn Thưởng, 83 tuổi, là người cao tuổi trong thôn Thượng, nguyên là Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Thái Tân những năm 70 của thế kỷ trước, cách nhà cụ Trần Danh Đỉnh vài trăm mét, hỏi chuyện về đất đai của cụ Trần Danh Đỉnh, ông kể rõ: Nguồn gốc ao nhà cụ Đỉnh là của nhà cụ Cảu. Cụ Cảu là con cụ Chánh Khải. Năm 1955, 1956 thực hiện cải cách ruộng đất, nhà cụ Cảu bị quy là địa chủ, bị tịch thu toàn bộ đất đai, tài sản. Khu đất này chính quyền chia cho ba gia đình, cụ Đỉnh được phần lớn đất và ao để sử dụng. Phần đất còn lại chia cho gia đình cụ Tuần và chính cụ Cảu. Khi đó làm chưa có mương máng, dòng chảy qua ao.

Biết thông tin ao nhà cụ Đỉnh giờ trở thành ao của xã, ông Trần Văn Thưởng phản ứng: “sao lại là ao của chính quyền xã? Cái làng này, cái thôn này có từ bao đời, đất của ai từ xưa để lại, chính quyền cách mạng chuyển cho ai đã rõ. Đất của những người trong thôn từ bao đời, nhà nước đã giao cho dân. Đến những năm 1963 – 1964 xã mới xây cống qua đường, làm dòng chảy tiêu thoát lũ, cụ Đỉnh là cán bộ gương mẫu cho xã lấy ao nhà mình làm dòng chảy tiêu úng. Gia đình cụ Đỉnh không phải nộp thuế, nộp sản thửa ao này là vì cụ là thương binh, lại cho xã mượn làm dòng chảy, không nuôi cá được. Vì vậy xã phải tôn trọng lẽ phải, xã cần tôn trọng sự thật, thời điểm nào ai làm sai phải sửa. Đất giao cho ai phải trả lại cho người ấy.

Để hiểu rõ hơn sự việc, phóng viên tìm gặp ông Trần Danh Nam, nguyên là bí thư thôn Thượng từ năm 1985 đến năm 1990 sau đó làm trưởng thôn đến 2010. Ông Nam cho biết: Chính ông dẫn cán bộ trắc đạc đi đo đất, ông khẳng định đất ao là đất của cụ Đỉnh, được xã mượn làm dòng chảy, song không hiểu tại sao khi xã phiên vào sổ sách và bản đồ lại thành tên UBND xã. Những năm 1997, 1998, khi không làm dòng chảy nữa, cụ Đỉnh vẫn nuôi cá, thả ấu. Một thời gian sau, nước ô nhiễm mới thôi chăn nuôi. Ông Nam rất lấy làm tiếc về vụ việc này để đến giờ gia đình cụ Đỉnh vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ phần đất ao của chính nhà mình.

Dư luận đặt câu hỏi với chính quyền xã Thái Tân, nếu gia đình cụ Đỉnh không có đất ao tại sao lại có danh sách trong sổ mục kê 299? Gia đình cụ Đỉnh không có ao tại sao ông Trần Danh Nam, nguyên trưởng thôn lại khẳng định có, sao ông Trần văn Thưởng cán bộ cao tuổi, những người đã từng nằm trong hệ thống quản lý của xã lại biết tường tận khu đất gốc gác của ai, cải cách ruộng đất, cách mạng tịch thu rồi chia cho những ai. Việc xây cống, mượn ao của một số gia đình làm dòng chảy ông được chứng kiến. Vậy sự thật là thế nào UBND huyện Nam Sách, chính quyền xã Thái Tân cần điều tra công tâm, làm rõ vụ việc đất ao của gia đình cụ Trần Danh Đỉnh, nếu đúng ao của gia đình, đề nghị sớm cấp GCNQSDĐ cho người dân.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Trần Tuấn