Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Lấy Nghị quyết 36 là mục tiêu cốt lõi để hành động
Biển đảo - Ngày đăng : 13:42, 25/12/2019
Tham dự Hội nghị có ông Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; các Phó Tổng cục trưởng: Phạm Thu Hằng, Vũ Trường Sơn, Nguyễn Quế Lâm cùng đông đảo các lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và cán bộ, công nhân viên chức Tổng cục.
Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2019
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên biểu dương và đánh giá cao các kết quả đã đạt được của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trong năm 2019.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cũng nhận định, trong thời gian tới, khi Kế hoạch tổng thể và 5 năm thực hiện Nghị quyết 36 phải là "xương sống" của Tổng cục thực hiện nhiệm vụ trong 10 năm tới được thể hiện bằng Chương trình điều tra trọng điểm TN&MT biển 2021 – 2030; Đề án Tăng cường năng lực lĩnh vực biển đảo. Hai nhiệm vụ này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để Tổng cục xây dựng, triển khai kế hoạch cho hợp lý.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên yêu cầu Tổng cục sớm hoàn thiện Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực biển và hải đảo; tiến hành cải cách hành chính; hoàn thành kế hoạch đề ra…
Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, năm 2019, được sự quan tâm và chỉ đạo của của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị chức năng của Bộ và sự nỗ lực phấn đấu của công chức viên chức và người lao động trong toàn Tổng cục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Trong đó có nhiều kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, nhiệm vụ, đặc biệt là công tác giao khu vực biển, cấp phép nhận chìm ở biển thực hiện đã đi vào nền nếp, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, địa phương có biển trong việc xử lý các hồ sơ giao khu vực biển để nhận chìm. Tham mưu, trình ban hành các quy định quản lý và tổ chức thẩm định, trình phê duyệt, bảo đảm chặt chẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động quản lý đối với các hồ sơ cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam.
Những kết quả này đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển trên cả nước, nâng cao vị thế của Tổng cục và của Bộ TNMT.
Cụ thể, đã triển khai thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao. Thực hiện Chương trình công tác năm 2019 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được giao xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT tổng số 13 đề án. Đến nay, Tổng cục đã trình Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 10 Đề án đảm bảo đúng tiến độ đã đăng ký.
Bên cạnh đó, đã rà soát, đánh giá, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Ngay từ đầu năm, Tổng cục đã chủ động có văn bản gửi các địa phương có biển rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn và nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhất là khó khăn, vướng mắc trong công tác nhận chìm, giao khu vực biển,…
Đồng thời, Tổng cục đã triển khai nghiêm túc việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch năm 2019, cơ bản bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu. Cụ thể đã tham mưu với Bộ trình Chính phủ: Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá vật chất nhận chìm ở biển và lựa chọn khu vực biển để nhận chìm.
Đặc biệt, trong năm 2019, Tổng cục cũng đẩy mạh công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được chú trọng và chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắt trước mắt, bước đầu thiết lập nền tảng quản lý cho lâu dài; Công tác quản lý khai thác biển và hải đảo; Công tác kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Công tác khoa học, công nghệ; Công tác kế hoạch, tài chính và đầu tư; Tổ chức bộ máy; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin, tuyên truyền.
4 mục tiêu, khâu đột phá năm 2020
Về nhiệm vụ năm 2020, bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, Tổng cục đặt quyết tâm năm 2020 chủ động vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, quán triệt sâu sắc và tiếp tục thực hiện phương châm “ Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Chất lượng, hiệu quả” và "Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm"; xác định 4 mục tiêu, khâu đột phá.
Quang cảnh Hội nghị |
Cụ thể, tập trung triển khai thưc hiện các kế hoạch, chương trình, dự án, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW; Tiếp tục tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoạt động cấp phép, công tác kiểm tra, thanh tra; Nâng cao năng lực của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý; Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, điều hành, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các giải pháp quản lý thông minh vào quản lý điều hành công việc.
Theo đó, nhiệm vụ trong tâm năm 2020 là: Tập trung xây dựng và hoàn thiện đúng tiến độ các văn bản quy phạm pháp luật đã đề xuất vào Chương trình văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 của Tổng cục; Triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Lập Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham mưu, trình ban hành các quy định quản lý và tổ chức thẩm định, trình phê duyệt, bảo đảm chặt chẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động quản lý đối với các hồ sơ cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, hồ sơ đề nghị giao khu vực biển và hồ sơ xin cấp phép nhận chìm ở biển.
Tiếp tục xây dựng và đưa vào triển khai các dự án hợp tác với các đối tác PEMSEA, COBSEA, IUCN... về nghiên cứu biển, tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và các nước như: WB, ADB, GEF, AFD (Pháp), KOICA, KOEM, KCG (Hàn Quốc) JICA (Nhật Bản), SwAM (Thụy Điển)...; tổ chức các đoàn ra, đoàn vào theo kế hoạch. Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các MOU/MOA đã ký kết; tiếp tục tìm kiếm đối tác, xây dựng dự án hợp tác quốc tế về biển; thực hiện tốt trách nhiệm thành viên trong các tổ chức quốc tế liên quan…
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã có nhiều ý kiến về công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng cục về kiện toàn tổ chức, nhân sự; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ; công tác kế hoạch - tài chính… để tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị nhằm hoàn thành khối lượng nhiệm vụ lớn mà Tổng cục được giao.
Thay mặt Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Quý Kiên. Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sát hơn nữa của lãnh đạo Bộ TN&MT, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT để Tổng cục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm tới…