Nước ô nhiễm từ đường sá gây thiệt hại cho các dòng sông ở London, Anh

Thế giới - Ngày đăng : 11:33, 25/12/2019

(TN&MT) - Sadiq Khan, Thị trưởng thành phố London, thủ đô của Anh kêu gọi hành động của chính phủ để bảo vệ giao thông thủy của thủ đô này.

Giao thông tại Trung tâm mua sắm Brent Cross trên đường North Circular ở London, Anh. Ảnh: Matthew Chattle / Barcroft Media

Thị trưởng thành phố London, Sadiq Khan đã kêu gọi chính phủ tăng kinh phí để làm sạch các dòng sông ô nhiễm ở London sau khi một nghiên cứu nhấn mạnh việc lái xe ở khu vực tắc nghẽn nhất thủ đô gây tác động tiêu cực đối với nước.

Sông Brent, cách 18 dặm (13 km) về phía Tây London và sông Lea cách 42 dặm về phía Đông London bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng ô nhiễm giao thông đường bộ. Mối lo ngại về ô nhiễm đã tập trung vào không khí độc hại vốn đang làm chết và rút ngắn cuộc sống của hàng chục nghìn người mỗi năm, nhưng ô nhiễm đường bộ cũng đang làm tổn hại nguồn cung cấp nước.

Nước ô nhiễm từ đường sá đối với sông và kênh rạch xuất phát từ sự cố tràn dầu, dầu diesel và xăng, và do mòn lốp và hệ thống phanh, những thứ còn sót lại sau đó bị nước mưa cuốn trôi và chảy vào đường thủy. Nước ô nhiễm từ đường sá là một trong những nguồn gây thiệt hại lớn nhất đối với hàng chục đường thủy ở London, và chỉ có một - Carshalton Arm, nguồn của sông Wandle - được xếp vào loại “tốt” theo tiêu chuẩn EU.

Nghiên cứu mới vừa được công bố lần đầu chỉ ra một số nguồn gây ô nhiễm nước đường sá lớn nhất ở thủ đô. Chúng bao gồm đường North Circular tại Alperton ở phía Tây London và Chingford ở phía Đông, đường A40 tại Ealing, một con đường lớn dẫn ra phía Tây London và Jenkins Lane ở Beckton, phía Đông London.

Một vấn đề với việc ngăn chặn nước ô nhiễm từ đường sá là các nguồn gây ô nhiễm thuộc sự giám sát của nhiều cơ quan chính phủ và cơ quan khác nhau - Cơ quan Môi trường, Cơ quan Đường cao tốc, Cục Môi Trường, Thực phẩm và Vấn đề nông thôn của Anh Quốc (DEFRA) và Bộ Giao thông Vận tải Anh cũng như các chính quyền địa phương. Hầu hết trong số này đã phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách nghiêm trọng trong thập kỷ qua.

Thị trưởng Sadiq Khan cho biết: “Chính phủ phải đẩy mạnh để cung cấp cho Cơ quan Môi trường Anh và chính quyền đường cao tốc khoản tài trợ thích hợp cho các biện pháp bảo vệ các dòng sông”.

Hàng trăm chất ô nhiễm, bao gồm cả kim loại nặng, thường được tìm thấy trong dòng chảy của nước trên đường và chúng có thể làm chết cá hoặc các sinh vật thủy sinh khác và gây thiệt hại lâu dài cho các dòng sông. Những chất này cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vì chúng có thể tác động tiêu cực đến nguồn nước uống.

Tuy nhiên, việc cải thiện hệ thống thoát nước trước khi xử lý nước là cần thiết và bằng việc cung cấp các rào cản và bộ lọc tự nhiên, ô nhiễm nguồn nước từ đường sá có thể được ngăn chặn ngay từ đầu. Trồng thảm thực vật phù hợp gần đường thủy có thể hạn chế được một phần ô nhiễm, có thể tạo ra hoặc mở rộng vùng đất ngập nước tự nhiên. Những nơi này cũng là “ngôi nhà” cho động vật hoang dã và có thể giúp làm sạch ô nhiễm không khí từ giao thông đường bộ.

John Bryden, người đứng đầu nhóm cải thiện các dòng sông tại Thames21, một trong những nhóm đứng sau nghiên cứu cho biết: “Ô nhiễm giao thông đường bộ là một trong những dạng ô nhiễm sông ít được hiểu và phức tạp nhất. Nghiên cứu này đã có thể giúp chúng ta xác định những con đường ô nhiễm nhất và bắt đầu hành động để đối phó với vấn đề cấp bách này”.

Chuyển sang xe điện sẽ giúp cắt giảm một số nguồn gây ô nhiễm nguồn nước trên đường bộ nặng nhất, nhưng độc tố từ mòn lốp và hệ thống phanh sẽ vẫn còn là một vấn đề. Giao thông công cộng ngày càng nhiều và tốt hơn có thể cắt giảm lưu lượng và khuyến khích mọi người đi bộ và đạp xe nhiều hơn cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi ô nhiễm.

Rob Shore, người đứng đầu các chương trình của Vương quốc Anh tại thuộc chức từ thiện Wildfowl and Wetlands Trust, nơi quản lý một số khu vực đất ngập nước còn lại của London cho biết vấn đề không chỉ giới hạn ở thủ đô này.

“Rõ ràng, dòng chảy trên đường là một nguồn gây ô nhiễm sông lớn trên khắp Vương quốc Anh, đặc biệt là ở các khu vực đô thị của chúng ta, giết chết thủy sinh và khiến các thị trấn và thành phố của chúng ta kém hấp dẫn hơn dưới mắt người dân và du khách. Các vùng đất ngập nước và hệ thống thoát nước bền vững là một phần quan trọng của giải pháp. Tạo vùng đất ngập nước đô thị mới sẽ thu được dòng chảy trước khi chảy vào sông của chúng ta, đồng thời mang lại một loạt lợi ích khác như giảm lũ, môi trường sống hoang dã và cải thiện chất lượng không khí” - Rob Shore cho biết thêm.

Một phát ngôn viên của DEFRA nhấn mạnh: “Việc cải thiện môi trường của chúng ta cần có thời gian, tài chính và sự tăng cường phối hợp của chính phủ, ngành công nghiệp, doanh nghiệp và xã hội dân sự. Chúng ta tích cực hỗ trợ việc này, tập hợp các tổ chức lại với nhau để giải quyết các vấn đề khó khăn như nguồn nước ô nhiễm từ đường sá”.

Mai Đan