Thừa Thiên Huế: Phát triển làng nghề gắn với du lịch, bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 10:17, 25/12/2019

(TN&MT) - Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có số làng nghề và nghề truyền thống khá nhiều so với các nơi khác trong cả nước, với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa. Thế nhưng, làm thế nào để giải quyết những khó khăn vướng mắc về công tác bảo tồn, phát triển các làng nghề trên địa bàn vẫn là một dấu hỏi. Huế đang tìm nhiều phương án, trong đó có phát triển du lịch làng nghề và bảo vệ môi trường (BVMT) là yếu tố hàng đầu.

Tính đến nay, Thừa Thiên Huế có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ, với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề. Ước tính giá trị sản xuất của các cơ sở sản xuất kinh doanh năm 2018 tại 30 nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận khoảng 374 tỷ đồng.

Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều làng nghề 

Tăng cường bảo vệ môi trường

Trong thời gian qua, thông qua các chương trình, dự án từ nhiều nguồn kinh phí, với các chính sách hỗ trợ nghề truyền thống và làng nghề truyền thống của địa phương, một số nghề và làng nghề truyền thống bước đầu đã được khôi phục và bảo tồn như làng nghề truyền thống gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian Làng Sình. Một số làng nghề như mây tre Bao La, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, An Bình, chế biến bún bánh Ô Sa, Vân Cù, chế biến thủy hải sản An Dương, Làng Trài... được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị, bao bì nhãn mác, xúc tiến thương mại đã tạo được những chuyển biến tích cực.

Một thực tế hiện nay là các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề chưa thực sự chú trọng đến công tác BVMT đặc biệt là việc thực hiện cam kết BVMT, các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hầu hết các cơ sở sản xuất chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; không thu gom, vận chuyển chất thải công nghiệp đến khu vực quy định để xử lý mà đổ tùy tiện xung quanh khu vực cụm công nghiệp; chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nước thải từ các làng nghề có nhiều chất dư thừa, độ màu cao đều xả ra môi trường...

Làng bún Vân Cù “lột xác” nhờ làm tốt khâu BVMT. Hầu hết các hộ gia đình đều đầu tư xây dựng bể lắng lọc nên hạn chế ô nhiễm

Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, đối với các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng, tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể. Trong đó Sở NN&PTNT điều tra, đánh giá tình hình hoạt động của các làng nghề, từ đó tái cơ cấu ngành nghề làng nghề cho phù hợp; xây dựng các quy định về vệ sinh môi trường tại các làng nghề; tiêu chí làng nghề xanh; xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn.

Sở KH&CN đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý môi trường tiên tiến, bảo vệ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm thân thiện môi trường tại các làng nghề. Sở TN&MT phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn gắn với quy định BVMT; phối hợp với cấp huyện tăng cường thanh kiểm tra và hướng dẫn cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT. Giám sát việc thực hiện công khai thông tin về BVMT tại các làng nghề trên địa bàn.

“Đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề phải áp dụng các biện pháp kiểm soát tiếng ồn, bụi, nhiệt, khí thải, nước thải và các biện pháp xử lý tại chỗ theo quy định. Tiếp nhận và vận hành đúng quy định các hạng mục công trình xử lý chất thải nếu được lựa chọn, đầu tư; chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Thực hiện di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc chấp hành các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Đóng góp kinh phí xây dựng, vận hành, duy tu, bảo dưỡng và cải tạo các công trình thuộc kết cấu hạ tầng về BVMT làng nghề...”, ông Định thông tin.

Huế đã tổ chức nhiều kỳ Festival nghề truyền thống để thu hút khách du lịch

Gắn với du lịch

Thừa Thiên Huế có một tiềm năng lớn để phát triển du lịch làng nghề. Từ năm 2005 đến nay, Huế đã tổ chức thành công 7 kỳ Festival nghề truyền thống, góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của nghề, làng nghề đồng thời quảng bá rộng rãi hình ảnh, văn hóa, các sản phẩm của làng nghề Huế đến công chúng.

Thực tế, trong thời gian qua ngành du lịch của Huế cũng đã phối hợp các ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung triển khai phát triển du lịch gắn với các nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh thông qua tổ chức xây dựng các tour du lịch làng nghề; lồng ghép, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch có nghề, làng nghề như làng Phước Tích (gốm), thôn Thanh Toàn (chằm nón), làng Thanh Tiên (hoa giấy), làng Sình (tranh dân gian)... tạo ấn tượng tốt với du khách. 

Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên là một địa chỉ du lịch nổi tiếng khi đến Huế

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ, thời gian tới tỉnh sẽ chỉ đạo các sở ban ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau để quy hoạch và triển khai tập trung các hoạt động bảo tồn nghề, xây dựng kết cấu hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nghề thủ công và hoạt động du lịch một số làng nghề đặc sắc, đặc thù, qua đó tập trung phát triển thành chuỗi sản phẩm du lịch như làng cổ Phước Tích gắn với gốm, làng mộc Mỹ Xuyên, làng đan lát Bao La, kết nối đệm bàng Phò Trạch; hoa giấy Thanh Tiên, tranh Làng Sình; dệt zèng A Lưới. Du lịch làng nghề truyền thống cần được kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, với các hoạt động lễ hội lớn của địa phương. Tổ chức giới thiệu cho các đoàn Famtrip trong và ngoài nước đến khảo sát và xây dựng tour tuyến...

“Ngoài ra, dựa trên cơ sở kinh nghiệm của một số địa phương kết nghĩa có thế mạnh về du lịch làng nghề như tỉnh Gifu và phủ Kyoto (Nhật Bản) và một số tỉnh, thành trong cả nước về phát triển bền vững du lịch làng nghề truyền thống, Thừa Thiên Huế sẽ nghiên cứu, tham khảo và vận dụng trong quá trình bảo tồn và phát triển bền vững du lịch làng nghề truyền thống, trong đó xem trọng việc giữ gìn cảnh quan môi trường và nếp sinh hoạt truyền thống địa phương, tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển ngành du lịch của tỉnh”, ông Tuấn nói.

Văn Dinh