Vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng, dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn

Tiếng dân - Ngày đăng : 18:52, 24/12/2019

(TN&MT) - Hơn 24h qua người dân các xã xung quanh bãi rác Nam Sơn đã tập trung phản đối chặn xe, không cho vận chuyển rác thải vào bãi rác Nam Sơn. Nguyên nhân của việc tụ tập, ngăn cản xe rác hoạt động liên quan đến vướng mắc đến bù giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng ô nhiễm của bãi rác Nam Sơn.

Người dân Sóc Sơn chặn xe vào bãi rác Nam Sơn

Vẫn còn hiện tượng ngăn cản xe chở rác

Ngày 24/12/2019, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có mặt tại khu vực ngã ba dẫn vào cổng Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, thuộc địa bàn thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Ghi nhận thực tế tại đây có hàng chục hộ dân cùng với phương tiện, lều bạt tổ chức ngăn cản nếu thấy xe chở rác hoạt động đi vào khu vực cổng. Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Văn Chính – Thôn Xuân Bảng, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn bức xúc cho biết: Ngày 5/7/2019 UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân. Trong văn bản cũng yêu cầu huyện và xã phải hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của Dự án trước quý IV năm 2019.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ còn vài ngày là hết năm 2019, người dân vẫn chưa được chi trả, cũng như chưa nhận được tiền đền bù đất thổ cư và các tài sản trên đất. Việc chậm trễ trong việc di dời giải phóng mặt bằng và đơn giá đền bù đất và giá đất phải nộp để nhận suất tái định cư đối với những hộ dân trong diện bán kính 500 m tính từ tường rào bãi rác Nam Sơn, khiến người dân vô cùng bức xúc ra chặn xe.

Lều bạt cùng các thiết bị được người dân chuẩn bị nhằm mục đích ngăn cản các xe rác hoạt động

Bà Đỗ Thị Loan – Thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn cho biết: Không chỉ có các thôn thuộc xã Nam Sơn, mà các xã khác như Hồng Kỳ và Bắc Sơn cũng nằm trong vùng ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do bãi rác Nam Sơn gây ra.  

“Đến nay, người dân chúng tôi phải sống chung ô nhiễm môi trường, phải chịu đựng mùi hôi thối, xú uế từ khu xử lý chất thải Nam Sơn gần 20 năm và không biết là còn phải chờ đợi đến bao giờ mới được di dân ra khỏi vùng ô nhiễm...” bà Đỗ Thị Loan đặt câu hỏi.

Qua tìm hiểu, được biết khoảng 14h ngày 23/12 người dân sinh sống xung quanh bãi rác Nam Sơn bắt đầu chặn không cho các xe vào đổ rác. Đây đã là lần thứ 6 người dân nơi đây phản đối việc vận chuyển rác, khiến các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội ngập rác. Trong đó, lần đầu là ngày 26/6/2016, do không đồng tình với phương án phí bồi thường ô nhiễm môi trường cho các hộ dân sống gần bãi rác.

Văn bản số 2876/UBND-VP ngày 23/123/2019 của UBND huyện Sóc Sơn gửi UBND thành phố Hà Nội

Trước tình hình trên, UBND huyện Sóc Sơn đã có Văn bản số 2876/UBND-VP ngày 23/123/2019 gửi UBND thành phố Hà Nội. Trong đó, một trong những nội dung của công văn cho biết: “UBND Huyện Sóc Sơn đã ban hành văn bản ngày 23/12 về việc cam kết với người dân sẽ áp dụng phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ đất ở cho người dân theo bảng giá đất mới của Thành phố từ đầu tháng 1.2020 sau khi Hội đồng nhân dân thành phố quyết nghị thông qua bảng giá đất.

Tuy nhiên đến 23 giờ ngày 23.12, có khoảng 45 người dân xã Nam Sơn và xã Hồng Kỳ vẫn tập trung tại cổng phía Nam và cổng phía Bắc của Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Kiến nghị UBND thành phố Hà Nội tháo gỡ vướng mắc

UBND huyện đã tổ chức làm việc với lãnh đạo xã Hồng kỳ và xã Nam Sơn để bàn biện pháp giải quyết tình hình và ghi nhận các kiến nghị của người dân liên quan đến chánh sách bồi thường, hỗ trợ về đất, hoa màu tài sản trên đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng của dự án.

Cụ thể, đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Thanh tra Thành phố sớm có kết luận giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vượt hạn mức 400 m².

Đề nghị UBND TP xem xét, có chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp, đất ở trùng lấn đất rừng vì các hộ dân đã được giao quản lý và sử dụng đất trước khi có quy hoạch rừng.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét nguyện vọng tái định cư cho các hộ dân và bồi thường các công trình đã xây dựng do khi hỗ trợ di chuyển giai đoạn 1999, người dân không có đất tái định cư, không được nhận tiền hỗ trợ tự lo chỗ ở nên phải xây dựng lại công trình để sinh sống trên đất ở cũ.

Đối với giá bồi thường diện tích đất nông nghiệp trồng cây lâu năm trong cùng thửa đất ở (trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất người dân đã được cấp ghi là đất vườn liền kề): Đề nghị UBND TP cho áp dụng mức bồi thường hỗ trợ bằng 70% giá bồi thường đất ở được TP phê duyệt đối với Dự án này (Tương tự mức bồi thường, hỗ trợ áp dụng đối với dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2).

Đối với việc bồi thường, hỗ trợ công trình xây dựng trên thửa đất ở, công trình được hình thành vượt quá hạn mức diện tích đất ở: Đề nghị UBND Thành phố cho phép bồi thường bằng 100% đơn giá theo quy định.

Đối với vị trí khu tái định cư xóm Linh Liệt, thôn 9, xã Hồng Kỳ: Đề nghị UBND TP. Hà Nội phê duyệt và công khai quy hoạch và đơn giá khu Tái định cư cho người dân biết.

Đề nghị TP. Hà Nội có chính sách đặc thù cho nhân dân di chuyển ra khỏi vùng ô nhiễm môi trường để nhân dân bảo đảm cuộc sống. Đặc biệt là hỗ trợ giá đất tái định cư cho nhân dân.

Đề nghị Thành phố trả lời và cung cấp văn bản pháp lý về quy hoạch bãi rác và quy trình đổ rác lên đến cốt 39. Nếu không trả lời và cung cấp văn bản pháp lý, đề nghị tạm dừng vận hành bãi rác khi nào di chuyển dân xong thì tiếp tục vận hành.

UBND huyện vận động người dân không tập trung đông người gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành và hoạt động của Khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Trường hợp người dân vân tiếp tục cản trở, tập trung đông người, UBND huyện sẽ xây dựng phương án bảo vệ đảm bảo việc vận hành bình thường của bãi rác Sóc Sơn, xử lý nghiêm cảc đối tượng vi phạm phảp luật.

Huy An