Thừa Thiên Huế: Ngành nông nghiệp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:22, 23/12/2019
Hạn hán xảy ra trong năm 2019 khiến người nông dân Huế khốn khổ |
Nông nghiệp thiệt hại nặng
Thừa Thiên Huế có tổng diện tích đất nông nghiệp gần 412.000 ha (chiếm 82% diện tích tự nhiên); trong đó có gần 70.000 ha đất sản xuất nông nghiệp (gieo cấy lúa và hoa màu); còn lại là diện tích rừng. Hơn 70% dân số sống ở nông thôn liên quan đến nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và tài nguyên nước.
Trong khi đó, Thừa Thiên Huế lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á với nền nhiệt cao, chịu ảnh hưởng của các hiện tượng EL Nino và La Nina nên phải hứng chịu thời tiết cực đoan như bão, lụt, dông lốc, sạt trượt đất, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng... Những năm gần đây, BĐKH đã tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp của Thừa Thiên Huế khiến đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn.
Hiện có hơn 64km/1.056 km bờ sông đang bị sạt lở nặng, tập trung chủ yếu ở sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu..., ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn hộ dân, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, các công trình, giao thông đi lại. Hơn 10/127 km bờ biển bị sạt lở nặng tập trung các khu vực như Phong Hải (Phong Điền); Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền); Hải Dương (thị xã Hương Trà); Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (Phú Vang); Vinh Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc) đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.000 hộ dân.
Sạt lở bờ biển Vinh Hải liên tiếp trong những năm gần đây |
Đầu năm 2019, tại Thừa Thiên Huế xảy ra các đợt mưa lớn kết hợp triều cường làm vỡ một số đê bao nội đồng và ngập úng 2.250 ha lúa mới gieo sạ. Đến giữa năm nay, nắng nóng kèo dài liên tục với nền nhiệt 47, 48 độ C đã khiến khoảng 1.600 ha lúa vụ Hè Thu bị khô hạn, hơn 2.100ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, hơn 3.000 ha cây trồng khác thiếu nước tưới. Hàng chục vụ cháy rừng lớn nhỏ cũng đã xảy ra...
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin rằng, trong các năm qua, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, tỉnh đã đầu tư để làm đê kè và gia cố khoảng 81km kè bờ sông; đầu tư kè chống xói lở bờ biển với chiều dài 2,6km... Tuy nhiên, một số tuyến kè bờ sông do đã đầu tư từ lâu nên bị xuống cấp cần có kế hoạch duy tu sửa chữa hàng năm.
“Hiện tỉnh đang triển khai nhiều dự án kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn, bao gồm một số đoạn kè chống sạt lở bờ sông Hương, sông Bồ, tiếp tục hoàn thiện kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua thôn An Dương xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với kinh phí 50 tỷ đồng. Đồng thời, chuẩn bị triển khai kè chống sạt lở bờ biển Vinh Hải với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến sạt lở để có biển pháp xử lý kịp thời ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của dân, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng thiết yếu; rà soát di dời các hộ dân sinh sống sát khu vực sạt lở nguy hiểm, đặc biệt trong mùa mưa lũ hàng năm” ông Phương cho hay.
Nhiều vụ cháy rừng cũng diễn ra trong năm nay tại Thừa Thiên Huế |
Tìm cách ứng phó
Thời gian qua, ngành NN&PTNT Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện đảm bảo an toàn công trình đầu mối và vùng hạ du, thực hiện đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt, thường xuyên theo dõi diễn biến để có xử lý phù hợp. Do đó hiện tượng nắng nóng, hạn hán xảy ra mạnh nhất và kéo dài trong năm nay nhưng địa phương đã chủ động được nguồn nước từ các hồ chứa nước kết hợp các đập thuỷ lợi ngăn mặn khu vực hạ du như Thảo Long, Cửa Lác... đảm bảo cấp nước cho dân sinh và phục vụ tưới, tiêu cho lúa, hoa màu, cây công nghiệp và nuôi trồng thủy sản, phát điện thương mại.
Ngành đã quan tâm lồng ghép triển khai các dự án đầu tư thích ứng BĐKH, phòng chống thiên tai như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, di dân tái định cư vùng sạt lở, ngập lụt; Chương trình kiên cố hóa trường học, trạm y tế, các công trình công cộng kết hợp phục vụ sơ tán dân khi có bão lụt xảy ra.
Xây dựng kè chống sạt lở là nhiệm vụ cấp bách. Trong ảnh là kè Quảng Công |
Ông Trương Văn Giang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ, với tình hình BĐKH hiện nay, đối với một số địa phương, ngành cũng chủ động hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH: công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH được quan tâm. Ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
“Chúng tôi cũng huy động mọi nguồn lực, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, khôi phục rừng phòng hộ, rừng ven biển, quy hoạch bảo tồn dãi cồn cát ven biển, đầm phá, tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH của con người và các hệ thống tự nhiên, nâng cao năng lực quan trắc và cảnh báo thiên tai nhằm chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; theo dõi chặt diễn biến thời tiết, chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập trong mùa mưa lũ...”, ông Giang cho biết.
Cũng theo ông Giang, ngành cũng đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ nông nghiệp; tăng cường xuất khẩu; triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu hàng nông lâm thủy sản. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phảm phù hợp với lợi thể và nhu cầu thị trường; rà soát lại quy hoạch các loại cây trồng chính...