Đà Nẵng: “Gỡ khó” tài nguyên đất rẻo
Tài nguyên - Ngày đăng : 08:51, 21/12/2019
Lãng phí tài nguyên đất rẻo
Trước dãy nhà dân trên đường Trân Xuân Lê, thuộc tổ 59, phường Hoà Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng là khu đất rẻo chừng 150 m2 tồn tại hàng chục năm nay. Các hộ dân tại đây nhiều lần xin mua phần đất rẻo trước nhà mình để hợp thửa liền khoảnh nhưng chưa được giải quyết.
Ông Trần Văn Sum, ở tổ 59, phường Hoà Khê, quận Thanh Khê cho biết, phần đất rẻo và đất nhà ông đang ở trước đây của ông bà để lại từ trước những năm 1960, nhưng chưa có sổ đỏ, mới chỉ có sổ tạm. Năm 1996, chính quyền địa phương phổ biến mỗi hộ lùi vào 6m để mở rộng đường. Tuy nhiên khi làm đường xong thì lại không đụng đến phần đất này. Đến năm 2018, khi gia đình tiến hành đề nghị làm sổ đỏ yêu cầu chính quyền mua lại phần đất phía trước để mở rộng diện tích nhà ở nhưng không được.
Khu đất rẻo chừng 150 m2 trước dãy nhà dân trên đường Trần Xuân Lê xin hợp thửa nhưng chưa được |
“Ở đây nhiều gia đình có đã sổ đỏ muốn mua lại đất rẻo phía trước cũng không được chứ không riêng gia đình mình. Phần đất khoảng 30 m2 phía trước nhà đã bỏ hoang nhiều năm nay, trông rất nhếch nhác. Mấy gia đình ở đây cũng muốn xin mua lại rẻo đất ở phía trước, nhập vô sổ thuận tiện sử dụng cho hợp pháp. Chính quyền cho biết, đất trên 50m2 phải đấu giá mà đợi chờ lâu quá.” – ông Sum cho biết.
Theo ông Đinh Viết Hồng Lễ, Chủ tịch UBND phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng, hiện trên địa bàn phường có khoảng 23 miếng đất rẻo, mỗi miếng từ vài m2 cho đến hàng trăm m2 với tổng diện tích gần cả nghìn m2. Nhiều năm nay, người dân có đã nộp đơn xin mua các phần đất này để hợp thửa nhưng không được giải quyết, gây khó khăn cho công tác quản lý, nhất là vấn đề môi trường.
“Nếu để lâu dài không giải quyết nhu cầu cho dân thì rõ ràng rất khó trong công tác quản lý. Nhiều chỗ bỏ hoang, không được dọn dẹp, nhếch nhác, ô nhiễm ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị. Chính quyền TP nên có cách giải quyết theo cơ chế thoáng hơn, tức là hộ nào có nhu cầu hợp thửa thì giải quyết cho họ” - ông Lễ cho biết.
Việc không kiểm soát, quản lý chặt chẽ nguồn đất rẻo đã gây nên tình trạng lấn chiếm sử dụng đất rẻo còn lại sau giải tỏa, đất rẻo do Nhà nước quản lý nhưng bỏ hoang, đồng thời gây lãng phí một nguồn tài nguyên không nhỏ của thành phố.
Điều đáng nói, hầu hết các phòng TN&MT các quận, huyện đều không thể thống kê đầy đủ có bao nhiêu mảnh đất rẻo trên địa bàn. Chỉ đến khi người dân nộp hồ sơ đề nghị được hợp thửa đất rẻo, lúc đó Phòng TN&MT mới kiểm tra thực tế hiện trạng để tham mưu cho UBND quận, huyện phương án sử dụng mảnh đất rẻo này vào mục đích công cộng hay đồng ý cho hộ dân ở liền kề hợp thửa.
Nhiều lô đất rẻo bị bỏ hoang trong nhiều năm trở thành nơi tập kết rác thải |
Hủy bỏ quyết định số 3862 ngày 14/7/2017
TP. Đà Nẵng đã phê duyệt hơn 200 tỷ đồng thực hiện Đề án cơ sở dữ liệu đất đai. Đề án này đến năm 2019 Sở TN&MT TP. Đà Nẵng phải hoàn thành. Theo báo cáo, hiện chỉ còn quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang chưa hoàn thành và sẽ tích hợp sau. Về nguyên tắc, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai phải thống kê, kiểm soát được tất cả thửa đất hình thành trên địa bàn TP, kể cả đất rẻo.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng thừa nhận, chưa thể thống kê hết các lô đất rẻo trên địa bàn. Theo ông Hùng, thành phố đã ban hành quyết định số 3862 ngày 14/7/2017 để quản lý đất rẻo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất là quận, huyện không thể thống kê được đầy đủ tất cả đất rẻo. Yêu cầu của thành phố là các quận, huyện phải thống kê đầy đủ rồi trình phương án sử dụng cho UBND thành phố, nhưng việc này không làm được.
Bất cập thứ hai là Quyết định số 3862/QĐ-UBND vi phạm Luật Đất đai, vì trong luật không có quy định nào về giao đất trực tiếp cho dân. “Luật đất đai quy định không có một thửa đất nào, một m2 đất nào được phép giao trực tiếp cho người dân. Chính Sở Tư pháp đã “tuýt còi” khi Đà Nẵng ban hành Quyết định số 3862. Để tháo gỡ khó khăn này, Sở TN&MT đã tham mưu UBND thành phố hủy Quyết định số 3862/QĐ-UBND”, ông Tô Văn Hùng cho biết.
Theo báo cáo mới nhất của UBND thành phố, qua 2 năm thực hiện Quyết định số 3862/QĐ-UBND, các quận, huyện tiếp nhận 220 trường hợp đất rẻo từ Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố và các ban quản lý dự án có chức năng đền bù, giải tỏa, khai thác quỹ đất; 280 trường hợp đất rẻo do các phường, xã rà soát, thống kê và 665 trường hợp do người dân có đơn xin hợp thửa đất rẻo.
Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 5676/QĐ-UBND để "gỡ khó" cho quản lý đất rẻo |
Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký Quyết định số 5676/QĐ-UBND về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 3862/QĐ-UBND ngày 14/7/2017 về quy định quản lý, sử dụng đất rẻo trên địa bàn thành phố. Quyết định số 5676/QĐ-UBND nêu rõ: Đối với các trường hợp đã được UBND thành phố phê duyệt phương án sử dụng đất rẻo thì đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục triển khai thực hiện.
Ông Phan Thanh Long - Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố cho biết, việc hủy bỏ Quyết định số 3862/QĐ-UBND sau khi có sự giám sát của HĐND thành phố nhằm đưa công tác quản lý đất rẻo thực hiện theo đúng Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn thực hiện của Chính phủ.
Theo kiến nghị của HĐND thành phố, UBND thành phố sẽ tiếp tục rà soát để ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý đất rẻo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành đồng thời phù hợp với thực tiễn quản lý đất rẻo trên địa bàn.