Ý Yên (Nam Định): Xử lý rác, nứa ngâm làm ô nhiễm 2 dòng kênh sau phản ánh của báo Tài nguyên và Môi trường

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 15:12, 20/12/2019

(TN&MT) - Ngay sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh tình trạng rác thải, nứa ngâm dưới dòng kênh S40, S48 gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng tới đời sống người dân, chính quyền huyện Ý Yên (Nam Định) đã ngay lập tức có động thái vào cuộc, yêu cầu các hộ ngâm nứa phải vớt hết nứa ngâm dưới kênh. Đồng thời truyên truyền trên loa phát thanh nhằm nâng cao ý thức người dân, tránh tình trạng vứt rác thải bừa bãi.

Dòng kênh S40, S48 được dọn sạch rác, nứa ngâm và đang dần được hồi sinh.

Trước đó, báo Tài nguyên & Môi trường đăng bài viết "Ý Yên (Nam Định): Nín thở sống cùng dòng kênh ô nhiễm” phản ánh việc nhiều năm qua, hàng nghìn hộ dân tại huyện Ý Yên luôn phải gồng mình “nín thở” và tìm cách đối phó, chung sống cùng với ngập ngụa rác thải, dòng nước đen kịt, đặc quánh, bốc mùi hôi thối từ sự ô nhiễm của 2 con kênh S40 và S48.

Công ty Môi trường và Đô thị hằng ngày dùng thuyền vớt rác dọc kênh từ thị trấn Lâm đến ngã 3 Cát Đằng.

Theo phản ánh của ngưới dân, 2 con kênh S40 và S48 chảy qua địa bàn huyện Ý Yên có nhiệm vụ tưới tiêu nông nghiệp và tiêu thoát nước sinh hoạt cho người dân sống ven. Tuy nhiên, nhiều năm qua cả 2 con kênh này đã bị một số doanh nghiệp, một số hộ dân trên địa bàn tận dụng làm nơi ngâm tre, nứa, luồng, gỗ khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Không chỉ dòng kênh sạch rác, cảnh quan điện, đường cũng được thay đổi rõ rệt.

Ông Vũ Văn Vui – Trưởng phòng TN&MT huyện Ý Yên cho biết: Ngay sau khi nhận được phản ánh, phòng TN&MT huyện đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra thực tế. Đồng thời phối hợp với chính quyền các xã có con kênh S40, S48 chảy qua để tiến hành yêu cầu các doanh nghiệp, hộ dân thu vớt nứa, tre, luồng, gỗ ngâm dưới kênh trả lại dòng kênh trong sạch.

Thuỷ sinh đang ngày một phát triển, ô nhiễm được hạn chế đến 90% so với khi chưa về đích Nông thôn mới.

“Hiện tượng ngâm nứa, luồng, gỗ gây ô nhiễm dòng kênh vẫn còn tồn tại tuy nhiên chúng tôi đang quyết liệt chỉ đạo, thông báo đến các doanh nghiệp, hộ dân không được tự ý ngâm nứa gây ô nhiễm dòng kênh. Nếu trường hợp nào cố tình vi phạm sẽ kiên quyết xử lý”, ông Vui nói.

Cũng theo ông Vui, trong những năm qua chính quyền huyện Ý Yên đã nỗ lực khắc phục, hạn chế ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước trên hai dòng kênh nói trên bằng nhiều cách. Trong đó có việc đầu tư gần 100 tấn vôi đổ xuống dòng kênh để xử lý lắng đọng cũng như ngăn cản việc người dân ngâm nứa, gỗ. Cùng với đó, Phòng TN&MT cũng đã tham mưu cho UBND huyện đầu tư, hỗ trợ công tác xử lý, vớt rác ở dòng kênh mỗi năm hơn 300 triệu để trả công cho Công ty thu gom rác.

“Vấn đề về môi trường, cảnh quan tại khu trung tâm huyện Ý Yên những năm gần đây sau khi về đích Nông thôn mới có rất nhiều khởi sắc. Lòng sông đã được cải tạo, xử lý, không còn tồn đọng rác như ngày xưa. Không có ô nhiễm nước công nghiệp nên dòng kênh đang dần được hồi sinh, thuỷ sinh đang ngày một phát triển, cá tha hồ sinh sản, người dân vô tư câu cá”, ông Vui chia sẻ.

Trao đổi với PV báo Tài nguyên và Môi trường, bà Trịnh Thị Kim Tình – Phó Chủ tịch UNBD huyện Ý Yên cho biết: Con kênh S40, S48 có nhiệm vụ tưới tiêu nông nghiệp. Với đặc thù tại huyện Ý Yên, kênh không có nhiều không gian, không được lưu thông như các kênh, sông của các huyện miền Nam giáp biển. Mà thay vào đó mỗi khi vào mùa khô, không chính vụ sản xuất nước tại kênh S40 và S48 rất cạn dẫn đến tình trạng rác thải còn tồn tại.

“Trước thực trạng tồn tại rác thải, UBND huyện đã kí hợp đồng với Công ty môi trường và đô thị thực hiện việc chuyên dùng thuyền, hằng ngày đi vớt rác dọc tuyến kênh từ thị trấn Lâm đến ngã 3 Cát Đằng xã yên Tiến, sau đó mang đi xử lý”, bà Tình nói.

Liên quan đến việc người dân, doanh nghiệp ngâm nứa, luồng, gỗ gây ảnh hưởng nguồn nước, bà Trịnh Thị Kim Tình cho biết: Huyện đã ra rất nhiều văn bản, đồng thời phục ngày đêm để bắt những đối tượng cố tình vi phạm. Bên cạnh đó tuyên truyền trên loa phát thanh của xã, huyện yêu cầu các doanh nghiệp, hộ dân thực hiện vớt hết số nứa, luồng, gỗ đang ngâm dưới kênh đưa về ao ngâm đã được quy hoạch, nếu chống đối huyện sẽ phối hợp với xã và Công ty Công Trình Thuỷ Nông sẽ mang đi tiêu huỷ.

Bà Tình cũng cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ cân đối kinh phí và sẽ lắp đặt camera tại một số nhà dân để tiện phát hiện người nào cố tình ngâm nứa, luồng sau đó phạt nóng để xử lý một cách triệt để.

“Với đặc thù làng nghề, để vừa giữ được công việc ổn định cho người dân phát triển kinh tế, vừa đảm bảo môi trường trong sạch, huyện đã quy hoạch các ao ngâm nứa tại các địa điểm phù hợp cho người dân thuận tiện sản xuất. Đồng thời tuyên truyền đến người dân để thay đổi ý thức, từng bước khắc phục cảnh quan môi trường huyện Nông thôn mới ngày một xanh – sạch – đẹp. Hướng tới trở thành một huyện Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới bền vũng và phát triển”, bà Tình chia sẻ.

 

 

 

Việt Linh - Xuân Vũ