Báo chí viết về lĩnh vực khoa học và công nghệ trong thời 4.0 nên như thế nào?

Xã hội - Ngày đăng : 14:56, 20/12/2019

(TN&MT) - Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, truyền thông về lĩnh vực khoa học, công nghệ không chỉ đơn giản là các nhà khoa học đề cập những kết quả nghiên cứu của mình mà còn hướng đến việc tạo sự ủng hộ của công chúng đối với những kết quả đó.

Sáng 20/12/2019, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức hội thảo Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập tạp chí Người làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.

Hội thảo bàn về truyền thông khoa học, công nghệ thời buổi 4.0

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ cho biết, hoạt động truyền thông trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại các nước phát triển rất được coi trọng. Bởi nó là động lực, điều kiện tiên quyết tạo sự thành công trong việc đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống.

Việt Nam hiện nay đang học theo mô hình của Hàn Quốc để nhằm mục đích xây dựng văn hóa yêu khoa học, trọng khoa học trong giới trẻ, từ đó tạo tiền đề đưa những kết quả nghiên cứu sớm áp dụng vào thực tiễn.

“Theo thống kê, năm 2012, Hàn Quốc chi khoảng 1 tỷ đô la cho hoạt động truyền thông khoa học và công nghệ. Cùng với chiến lược lâu dài, giờ đây văn hóa yêu khoa học, trọng khoa học đã hình thành sâu đậm trong văn hóa người trẻ Hàn Quốc nói riêng và người Hàn Quốc nói chung.

Trong khi ở Việt Nam, nhà nước cũng quan tâm tới vấn đề khoa học, công nghệ từ sớm. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là chúng ta truyền thông như thế nào để đạt được những kết quả giống như Hàn Quốc?” – ông Trần Quang Tuấn đặt câu hỏi.

Nhà báo Nguyễn Thành Lợi chia sẻ tại hội thảo

Trình bày tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập tạp chí Người làm báo cho biết, công tác truyền thông đã và đang khuyến khích các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhà khoa học lao động, sáng tạo hơn nữa để đạt được mục tiêu của lĩnh vực khoa học công nghệ đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Do đó, trong bối cảnh công nghiệp 4.0, để truyền thông khoa học và công nghệ đúng, trúng và hiệu quả, các phóng viên, nhà báo cần có hiểu biết chuyên sâu về khoa học, công nghệ để chuyển tải những nội dung vốn khô khan trở thành vấn đề dễ hiểu, hấp dẫn với độc giả.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý khoa học và công nghệ cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng những chương trình thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Song song với đó, các cơ quan báo chí cần chú trọng và tăng cường các hoạt động truyền thông khoa học và công nghệ trên tất cả các kênh như phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, tăng cường mạng lưới các website về thông tin khoa học, công nghệ để tạo nên một diễn đàn mở giúp chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trao đổi và kết nối với nhau.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Hiện nay chính phủ đặt quyết tâm rất cao khi lấy hoạt động của doanh nghiệp là trung tâm. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, vòng đời của công nghệ trở nên rất ngắn nên nếu chúng ta không theo kịp sẽ bị tụt hậu rất xa. Muốn như vậy, chúng ta phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành tố như: ý tưởng – nguồn tri thức – nơi sử dụng tri thức – thị trường”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thắng phát hiểu tại hội thảo

Theo ông Trần Quốc Thắng, nguồn tri thức hiện nay nằm ở các nhà khoa học, người nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu, trong nhân dân … còn người sử dụng tri thức là doanh nghiệp. Nếu hai yếu tố này hỗ trợ được cho nhau thì công nghệ sẽ được áp dụng vào thực tiễn rất nhanh và được nhiều người biết đến. Lúc này vai trò của truyền thông là tối quan trọng.

“Anh nghiên cứu được một sản phẩm hay, anh làm ra được một sản phẩm chất lượng nhưng không được mọi người biết đến, không được tin tưởng thì coi như thất bại. Vì thế, tôi cho rằng vai trò quan trọng nhất của báo chí, truyền thông là liên kết và kết nối các yếu tố với nhau để tạo thành một chuỗi hoàn thiện, khép kín” - ông Trần Quốc Thắng nói.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, thông tin khoa học và công nghệ là cơ sở, căn cứ quan trọng cho việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo cho các quyết sách phù hợp. Để truyền thông hiệu quả hơn, các đơn vị liên quan nên tập trung vào các lĩnh vực chuyên sâu gắn với đời sống, mời các chuyên gia thực sự có chuyên môn cao phản biện để sẽ tạo ra hiệu quả truyền thông tốt.

Phạm Văn