Điện Biên: Người dân tiếp tục “kêu cứu” vì ô nhiễm do sơ chế dong riềng
Môi trường - Ngày đăng : 21:52, 19/12/2019
Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất, sơ chế dong riềng tại xã Nà Tấu, huyện Điện Biên sản xuất từ 25-30 tấn củ dong tươi. |
Từ tháng 9 - 12 hàng năm, khi đến mùa thu hoạch và chế biến dong riềng thì người dân các xã Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng, huyện Điện Biên phải kêu trời vì nguồn nước thải từ các cơ sở chế biến thải ra môi trường.
Nước thải xả trực tiếp ra hệ thống sông suối khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng, trong khi đây lại là nguồn cung ứng một phần nước sinh hoạt và đa phần nước tưới cho hầu hết đồng ruộng, ao nuôi thủy sản của người dân.
Theo quan sát của phóng viên báo Tài Nguyên và Môi trường, mặc dù đã gần cuối mùa dong riềng nhưng tại con suối Nậm Rốm chảy qua địa bàn các xã Nà Tấu, Nà Nhạn, nước vẫn một màu đen kịt, bã bọt dong riềng kết váng nổi khắp mặt nước, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Với tần suất xả thải lớn của gần chục cơ sở thu mua, chế biến dong riềng trên địa bàn hai xã Nà Nhạn và Nà Tấu, người dân trong khu vực đang phải gánh hậu quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Quàng Văn Khôm, ở bản Nà Tấu 2, xã Nà Tấu bức xúc: Trước đây, suối Nậm Rốm chảy qua bản rất sạch sẽ, trong lắm. Từ khi các xưởng sơ chế dong riềng hoạt động thì nguồn nước suối ở đây bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt của nhân dân các bản dọc con suối này. Nước thì bẩn và bốc mùi hôi thối, cho vào ao con cá cũng chết, không dùng làm nước sinh hoạt được nữa rồi. Chúng tôi toàn dùng nước khe cạn ở trên rừng thôi.
Ông Lò Văn Ín, người dân bản Nà Tấu 3, xã Nà Tấu, đề nghị: Chúng tôi mong chính quyền không nên cho họ làm nữa, nếu làm thì phải giữ được bã dong và phải có hệ thống xử lý nước thải không để chảy ra sông, suối, ô nhiễm môi trường lắm.
Nước thải sơ chế dong riềng được cơ sở sản xuất sả thẳng ra suối Nậm Rốm. |
Theo quan sát, hầu hết khu xử lý nước thải của các cơ sở sơ chế dong riềng trên địa bàn huyện Điện Biên chỉ là những ao đất nhỏ, không được che chắn, hoặc có bể chứa nhưng dung tích cũng rất nhỏ.
Trong khi đó, vào thời điểm chính vụ, mỗi ngày các cơ sở đều sản xuất từ 25-30 tấn củ dong tươi, với lượng nước xả ra từ 300 – 400m3 nước. Nước thải ô nhiễm ngấm thẳng xuống đất hoặc do bể chứa nhỏ nên chỉ khoảng 2 ngày các chủ cơ sở đã xả trực tiếp ra môi trường. Cá biệt, có những cơ sở xả thẳng xuống ao đất và tràn luôn ra sông suối, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Trao đổi với chủ một số cơ sở chế biến dong riềng tại đây về quy trình xử lý chất thải, xả thải gây ô nhiễm ra môi trường thì phóng viên nhận được những câu trả lời phủ nhận vấn đề này hoặc biện hộ bằng những lý do riêng.
Ông Vũ Văn Năm, chủ cơ sở chế biến dong riềng cho rằng: Nước thải từ cơ sở sản xuất dong riềng của mình ra môi trường chỉ là tương đối, không ảnh hưởng đến người dân.
Một chủ cơ sở khác thì công nhận việc xả thải ra gây ô nhiễm môi trường của mình là sai. Cũng theo chủ cơ sở này cho biết, việc sơ chế thì tất nhiên nước cũng phải có đổi màu một ít, nói chung vẫn có ảnh hưởng, nhưng mà ảnh hưởng thì các cơ sở cũng khắc phục hết mức, còn vào khoảng 20% thì mới ra suối, đổi màu. Triệt để được hết thì cũng nhiều cái khó với cơ sở lắm vì không đủ điều kiện, không có nguồn vốn.
Ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: Đầu vụ nào xã cũng yêu cầu các chủ cơ sở sơ chế dong riềng ký cam kết bảo vệ môi trường. Đồng thời, thành lập các tổ kiểm tra thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm, xưởng nào chưa thực hiện nghiêm túc theo cam kết thì lập biên bản và để tạm dừng hoặc sửa chữa như thế thôi, còn cấm hẳn thì xã chưa cấm được. Chính quyền xã chỉ biết báo cáo lên lãnh đạo huyện và các phòng chức năng hỗ trợ giải quyết.
Hậu quả ô nhiễm môi trường từ sơ chế dong riềng trên địa bàn xã Nà Tấu, huyện Điện Biên. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Tuấn, Trưởng phòng TN&MT huyện Điện Biên cho biết: Phòng TN&MT huyện đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Điện Biên, Chi cục Bảo vệ môi trường, nhiều lần tổ chức phối hợp với chính quyền các xã mời các hộ dân chế biến dong riềng tuyên truyền các giải pháp bảo vệ môi trường; đã tiến hành xử phạt nhiều lần khi phát hiện các cơ sở không đảm bảo quá trình xả thải. Thế nhưng mức xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe, còn ý thức chấp hành của các chủ cơ sở vẫn rất thấp.
Cây dong riềng bén rễ trên địa bàn huyện Điện Biên đã hơn 10 năm qua. Song cũng từng ấy năm, người dân sinh sống quanh khu vực các xưởng sản suất, sơ chế dong riềng và các hộ dân sinh sống dọc hai bên bơ suối Nậm Rốm bị ảnh hưởng bởi những độc hại từ nước thải, chất thải thải ra từ các cơ sở sơ chế dong riềng.
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên cần sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm vấn nạn ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, sơ chế dong riềng trên địa bàn huyện Điện Biên, bảo vệ môi trường, đảm bảo cuộc sống người dân.