Chuyên gia kinh tế nhận diện 5 dòng vốn chảy vào bất động sản

Bất động sản - Ngày đăng : 15:40, 19/12/2019

(TN&MT) - Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản đang thu hút 5 dòng vốn chính là vốn vay ngân hàng, vốn FDI, vốn tư nhân, trái phiếu, các startup công nghệ tài chính (Fintech).

Trong đó, nguồn vốn tín dụng dành cho bất động sản tăng đều. Theo số liệu tháng 10/2019, vốn dành cho vay trong hoạt động xây lắp có tổng dư nợ 800.000 tỷ đồng, tăng 8,5%; cho vay kinh doanh bất động sản vẫn tăng 5,5%, cho vay mua nhà, sửa nhà tăng 19,6%.

“Năm nay, Chính phủ chỉ đạo gộp cho vay bất động sản và vay mua nhà, sửa nhà vào thành cho vay bất động sản như vậy thực tế là tăng 14,5%, cao hơn bình quân cho vay của hệ thống ngân hàng hết 10 tháng 2019 là khoảng 10%. So sánh với khu vực, đây là tỷ lệ chấp nhận được” – ông Lực cho biết.

Về nguồn vốn từ tư nhân, 11 tháng đầu năm có 16 nghìn doanh nghiệp xây lắp thành lập mới, tăng 2%; 7,3 nghìn doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, vốn tăng 27,5%.

Ngân hàng nhà nước ban hành thông tư 22/TT-NHNN sẽ tác động đến nguồn vốn cho thị trường bất động sản.

Về vốn FDI, tổng cả hai dòng vốn đăng ký mới và góp vốn 4,8 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam).

Về trái phiếu doanh nghiệp, tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 11 tháng 237.000 tỷ đồng, tăng 6% cùng kỳ 2018; trong đó doanh nghiệp bất động sản là 71.000 tỷ đồng. Đây là mức tăng ấn tượng trong năm qua và là một dòng vốn quan trọng. Dự báo các quỹ trong tương lai sẽ phát triển rất tốt nhất là quỹ tín thác đầu tư bất động sản.

Về Fintech, đây cũng có thể là một kênh thu hút vốn cho bất động sản vì fintech hiện chủ yếu là thanh toán, nhưng trong tương lai, sẽ có những fintech huy động vốn cộng đồng để đầu tư vào bất động sản hoặc góp phần tạo hệ sinh thái bất động sản.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết thêm, dòng vốn vào bất động sản trong 2019 vừa qua từ tín dụng bổ sung thêm cho bất động sản tăng thêm khoảng 300 nghìn tỷ.

Trong khi, đó 4 dòng vốn còn lại gồm tư nhân, FDI, trái phiếu doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu tương đương 240.000 tỷ. 60% vốn sẽ tiếp tục đến từ ngân hàng, 40% đến từ các dòng vốn khác. Dự báo xu thế này sẽ vẫn tiếp tục.

Là một trong những thành viên góp ý xây dựng thông tư 22/TT-NHNN, ông Lực cho rằng, thông tư này được ban hành để định hướng tín dụng vào những chỗ bất động sản gắn với thực tiễn, giảm bớt đầu cơ. Bên cạnh đó, giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn. Về lâu dài, thông tư này sẽ khuyến khích cho vay xây nhà, mua nhà, chữa nhà vì tỷ trọng số rủi ro là 50%, bằng một nửa so với cho vay thương mại thông thường.

"Việc giảm dần vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn không phải là điều lo ngại vì tỷ lệ này ở các ngân hàng hiện chỉ là 28%, nếu sắp tới ngân hàng áp 30% thì không có tác động gì nhiều đến thị trường bất động sản" - ông Lực khẳng định.

Ông Cấn Văn Lực đưa ra khuyến cáo với các nhà đầu tư rằng, dòng tiền luôn thông minh, các nhà đầu tư luôn biết để dòng tiền chảy vào đâu?

Thứ hai, có rất nhiều dòng vốn khác nhau không chỉ riêng vốn ngân hàng dù vốn ngân hàng là chủ đạo, chúng ta có nhiều cơ hội tiếp cận dòng vốn khác.

Thứ ba, nên nắn dòng vốn vào bất động sản, chỉ nên dành ra 20 -25% thu nhập của mình để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản để tránh những rủi ro.

Thùy Linh