Bà Rịa – Vũng Tàu: Kiểm soát chặt nước thải chăn nuôi có nguy cơ "đe dọa" nguồn nước sinh hoạt

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 20:10, 18/12/2019

(TN&MT)- Bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất là vấn đề sống còn. Do vậy, tổ chức, cá nhân nào không hành động nghiêm túc, không quyết liệt trong bảo vệ nguồn nước thì sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm nghiêm khắc.

Kiểm soát chặt các nguồn xả thải ảnh hưởng tới nguồn nước hồ Đá Đen

Đây là chỉ đạo của ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại họp thứ 15, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới diễn ra gần đây.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ hợp thứ 15, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo lắng về nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt từ hoạt động xả thải của các trang trại nuôi heo ở thượng nguồn các hồ chứa nước.

 Đại biểu Nguyễn Tấn Phong cho rằng: Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi heo là vấn đề nóng, tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đặc biệt, nhiều cơ sở chăn nuôi ở quá gần nguồn nước.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Tấn Phong, qua kết quả khảo sát của HĐND tỉnh cho thấy, nhiều trại heo quy mô rất lớn nằm tại thượng nguồn các hồ chứa nước theo quy định phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng đến nay chưa thực hiện như: Trại heo Nhất Tiến Phát ở xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc; trang trại của ông Hồ Văn Khoa ở xã Xà Bang, huyện Châu Đức; có trang trại đã lập ĐTM nhưng không tuân thủ theo ĐTM đã được phê duyệt.

Trước những lo ngại trên, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Hiện nay, Sở TN&MT đã phối hợp với các Sở, ngành chức năng và địa phương đã kiểm soát chặt chẽ được hầu hết các nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi có nguy cơ ảnh hưởng đến hồ cấp nước. Theo đó, đối với các trại heo quy mô cấp tỉnh đã đầu tư xong hệ thống xử lý nước thải sau biogas, hiện có 18/22 trại đã đầu tư xong (tăng 12 trại so với đầu năm 2019), 03 trại đang hoàn thiện hệ thống công trình, 01 trại chưa quan tâm đầu tư. Tất cả các trại heo được kiểm soát chặt, không còn tình trạng xả nước thải trực tiếp vào các nguồn nước tiếp nhận.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với trại heo cấp huyện quản lý. Đến nay, các cơ sở chăn nuôi ở thượng nguồn hồ Đá Đen, Xuyên Mộc còn 29/42 cơ sở đang hoạt động, hồ Sông Rang còn 14 cơ sở đang hoạt động, tất cả đang được kiểm soát chặt chẽ về hoạt động xả thải.

Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Linh, hiện nay, việc kiểm soát nước thải từ hoạt động chăn nuôi vẫn còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân là do việc thực hiện Đề án di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 -2021 còn chậm. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh dịch tả heo Châu Phi có diễn biến phức tạp ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nên việc tập trung nguồn lực phòng chống dịch đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và nguồn lực đầu tư xử lý nước thải sau biogas của một số trang trại, đồng công tác kiểm tra chưa thể triển khai thực hiện theo kế hoạch…

Bà Rịa - Vũng Tàu  quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan chức năng trong việc vận hành công trình hồ chứa nước.

Phát biểu kết luận tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị UBND tỉnh và các cấp chính quyền cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở sản xuất, chăn nuôi trong khu vực, không được vi phạm Quy hoạch và hành lang bảo vệ các hồ chứa nước, vi phạm xả thải đe dọa an ninh an toàn nguồn nước.

Theo đó, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi phải thực hiện đúng quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời, giao UBND tỉnh rà soát, báo cáo về HĐND tỉnh từ tháng 3 năm 2018 đến nay có bao nhiêu cơ sở sản xuất, chăn nuôi không thực hiện ĐTM để có biện pháp xử lý, khắc phục triệt để.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng đề nghị  Sở TN&MT cần tiếp tục triển khai đầu tư hệ thống quan trắc đủ khả năng kiểm soát, bảo vệ an ninh an toàn hồ nước một cách hiệu quả. Đề nghị UBND tỉnh tổ chức đợt tổng kiểm tra việc triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh an toàn hồ nước; xử lý nghiêm và dứt khoát chấm dứt hoạt động, thực hiện di dời những cơ sở sản xuất, chăn nuôi vi phạm hành lang, an toàn hồ nước; việc xử lý di dời theo nguyên tắc, nếu cơ cở nào nhà nước cấp phép hoạt động thì nhà nước hỗ trợ di dời; cơ sở nào nhà nước không cấp phép thì tự di dời vào các khu vực được phép chăn nuôi.

“Cả hệ thống chính trị và người dân phải xác định rõ việc bảo vệ an toàn hồ nước, bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất là vấn đề sống còn của tỉnh. Tổ chức, cá nhân nào không hành động nghiêm túc, không quyết liệt trong bảo vệ nguồn nước thì sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm nghiêm khắc” – ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Linh Nga