Vĩnh Lộc (Thanh Hóa): Hàng loạt vi phạm tại mỏ đá Doanh nghiệp Hải Sâm
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 18:18, 18/12/2019
Nhiều vi phạm trong khai thác khoáng sản tại mỏ đá của Doanh nghiệp Hải Sâm |
Được biết, ngày 09/4/2015, Doanh nghiệp tư nhân Hải Sâm (Doanh nghiệp Hải Sâm) được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất tại mỏ đá vôi xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc làm vật liệu xây dựng thông thường. Với diện tích mỏ 15.000 m², trữ lượng khai thác 84.381m³, thời hạn khai thác 19 năm 6 tháng.
Tại khoản 7, điều 2 của giấy phép, nêu rõ: Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, chế biến, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay bằng văn bản cho quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Khu vực khai thác đá ngoài vị mỏ được cấp phép |
Thế nhưng, bất chấp các quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản, Doanh nghiệp Hải Sâm đã liên tiếp vi phạm. Điều này được thể hiện ở biên bản ngày 07/3/2017 của UBND xã Vĩnh An, qua kiểm tra cho thấy: Đơn vị đang khai thác đá không đúng vị trí được cấp phép tại khu vực giáp với mốc số 01 và số 05, yêu cầu đơn vị dừng ngay việc khai thác ra ngoài khu vực mỏ được cấp phép và trả lại hiện trạng ban đầu, nếu đơn vị còn vi phạm sẽ báo cáo lên cấp có thẩm quyền xử lý đúng quy định của pháp luật.
Năm 2018, Doanh nghiệp Hải Sâm lại tiếp tục vi phạm, trong biên bản ngày 14/11/2018 của UBND xã Vĩnh An, nêu rõ: Đơn vị đang làm đường đi tại vị trí đất khai trường, đất đá lấn ra ngoài khu vực ao Sen thuộc UBND xã quản lý là 3m.
Chưa đầy đủ mốc giới, chưa có đường lên núi…nhưng đơn vị vẫn khai thác và hoạt động bình thường |
Ngày 12/4/2019, Phòng TN&MT huyện Vĩnh Lộc phối hợp với UBND xã Vĩnh An tiến hành kiểm tra việc chấp hành trong khai thác khoáng sản tại mỏ đá của đơn vị, kết quả cho thấy: Hiện tại, mốc số 01 và số 04 đã không còn; camera, trạm cân và biển báo chưa lắp đặt, chưa đăng ký phương tiện khai thác; đơn vị chưa xuất trình bản đồ hiện trạng mỏ đến tháng 12/2018; tại hiện trường có 02 moong khai thác phía Đông Nam, đơn vị đang khai thác từ dưới lên, hiện tại chưa làm đường lên núi để khai thác từ trên xuống.
Tuy nhiên, thay vì khẩn trương khắc phục các vi phạm nghiêm trọng trong khai thác mỏ, nhưng đơn vị vẫn tổ chức khai thác đá và hoạt động bình thường. Thời điểm chúng tôi có mặt, trong mỏ có nhiều xe tải “hết đát” ra vào lấy đá, sau đó di chuyển ra QL 217 về tập kết tại xưởng đá xẻ. Đơn vị chưa làm đường lên núi theo thiết kế mỏ được phê duyệt. Khu vực dưới chân núi, hiện có 02 máy múc cùng nhiều công nhân đang làm việc, phía trên là các moong đá om, đá treo, vách đá dựng đứng…chưa được cạy gỡ, tiềm ẩn nguy cơ đá ở đỉnh mỏ sập xuống, đe dọa đến tính mạng của người lao động.
Phía trên là các moong đá om, đá treo chưa được cạy gỡ, tiềm ẩn nguy cơ đá ở đỉnh mỏ sập xuống, đe dọa đến tình mạng của công nhân đang làm việc |
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Trịnh Xuân Nam, Cán bộ địa chính xã Vĩnh An xác nhận: Đúng là có việc Doanh nghiệp Hải Sâm khai thác đá ra ngoài vị trí, khai thác chưa đúng thiết kế mỏ. UBND xã Vĩnh An đã kiểm tra nhiều lần, nhưng chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt.
Sau khi xem các biên bản kiểm tra tại mỏ đá của Doanh nghiệp Hải Sâm, PV có đề nghị sao lưu lại, nhưng ông Nam lại từ chối với lý do “Anh chị thông cảm, các biên bản chỉ đưa để xem và tham khảo, chứ không được sao chụp, tôi chỉ làm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã”.
Phân trần về việc tại sao PV không được sao lưu biên bản kiểm tra, ông Hà Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An cho biết: Cái này (biên bản kiểm tra) việc nó cũ rồi, chỉ nói lại để anh em nắm bắt được thôi, chứ sau có vấn đề gì huyện lại có ý kiến phê bình.
Với thực trạng trên, cho thấy chủ mỏ đang hết sức xem nhẹ các vi phạm trong khai thác khoáng sản và vấn đề an toàn lao động. Bên cạnh đó, dù đã phát hiện, kiểm tra nhiều lần, nhưng chính quyền địa phương chỉ lập biên bản cho có lệ và chưa có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.