Xác định tiêu chí phục vụ quản lý, giám sát, lựa chọn công nghệ xử lý dioxin ở Việt Nam
Trong nước - Ngày đăng : 15:11, 18/12/2019
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Văn Giao – Cục trưởng Cục Khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường trực Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục chất độc hóa học và môi trương, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Học viện Quân y, đại diện cơ quan chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Văn Giao phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Ngô Văn Giao cho biết, khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề cấp bách, được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quan tâm giải quyết nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, phục vụ cho phát triển đất nước. Đây là vấn đề có tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, là vấn đề liên ngành, có tính chất quốc tế, cần được phối hợp chặt chẽ để giải quyết một cách bài bản, hiệu quả, thiết thực.
Theo báo cáo của TS. Văn Thành Công – Chánh Văn phòng 701, ngược trở lại lịch sử, trong chiến tranh tại Việt Nam, 80 triệu lít chất diệt cỏ bị phun rải trên hơn 1/4 diện tích Việt Nam. Tồn lưu chất độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, Phù Cát, Biên Hòa là khá lớn.
Việc xử lý ô nhiễm dioxin đã được thực hiện ở Phù Cát và Đà Nẵng, hiện Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) bắt đầu xử lý ở sân bay Biên Hòa.
Đề xuất phương án công nghệ xử lý dioxin, TS. Tô Văn Thiệu – Viện Khoa học và Công nghệ quân sự thông tin, một số phương án đã được thử nghiệm tại sân bay Biên Hòa như: Phương án xử lý sinh học tại chỗ, phương án xử lý sinh hóa kết hợp, phương án khử hấp thu nhiệt, phương án kết hợp rửa và thiêu đốt.
“Để lựa chọn phương án công nghệ phù hợp án dụng trong xử lý đất, trầm tích ô nhiễm dioxin tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam, cần xây dựng tiêu chí, đánh giá và tính toán chi phí phù hợp với điều kiện thực tế, nguồn lực trong nước và tận dụng các nguồn tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế”, TS. Thiệu đề xuất.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Theo Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường, biện pháp tăng cường giám sát được tính cụ thể đối với từng loại công nghệ, nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình xử lý và tránh những vấn đề phát sinh về môi trường.
Đồng quan điểm, Thiếu tướng Ngô Văn Giao - Cục trưởng Cục Khoa học quân sự yêu cầu, các thông số giám sát, nội dung giám sát, tần suất giám sát, phương án giám sát được thực hiện theo quy định theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và được cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt thực hiện.
Thiếu tướng cũng đề nghị, chủ đầu tư nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp, xác định được các chương trình quan trắc môi trường, giám sát hiệu quả thi công, giám sát sức khỏe để lập thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán của dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện./.