Quảng Bình: Rừng tự nhiên Cao Quảng bị lấn chiếm nghiêm trọng
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 11:26, 18/12/2019
Để tiếp cận được những khu vực rừng bị chặt phá, chúng tôi may mắn được một người dân địa phương dẫn đường vào thôn Phú Xuân, sau khi đã đi hết vùng dân cư, vượt qua khu vực rừng sản xuất trồng keo của người dân, chúng tôi tiếp cận vùng giáp ranh giữa rừng trồng, rừng tự nhiên và rừng phòng hộ. Khu vực giáp ranh giữa rừng sản xuất và rừng phòng hộ nguyên sinh có nhiều diện tích đất rừng mới phá, đốt để trồng keo thay thế. Nhiều gốc cây gỗ lớn có đường kính 20-30cm vẫn còn dấu vết cháy nham nhở, một ít thân gỗ nhỏ, ngọn cành chưa dọn hết. Hầu hết chặt phá đến đâu thì người dân trồng keo che phủ đến đó.
Rừng tự nhiên tại Cao Quảng bị chặt phá nghiêm trọng. |
Chỉ tay vào vùng đất mới trồng keo giáp rừng phòng hộ người dẫn đường nói: “Đó là phần đất của ông Nguyễn Thế Anh mới phát để trồng keo. Phần bên cạnh là của ông Nguyễn Tiến Cường đốt phát. Còn chỗ keo đã lên tốt kia cũng là rừng phòng hộ, đã được mấy ông này phát từ trước rồi, nên đợt kiểm đếm lần này họ không đưa vào. Nếu đưa vào thì mỗi người phát trên 5.000m2 là khởi tố, nên họ không đưa vào”.
Diện tích rừng tự nhiên do UBND xã Cao Quảng quản lý là trên 8.000 ha, trong đó, khu vực bị người dân chặt phá, lấn chiếm để trồng keo diễn ra chủ yếu tại các thôn như: Vĩnh Xuân, Sơn Thủy, Phú Xuân,…
Người dân ngang nhiên phá rừng tự nhiên để trồng keo. |
Theo báo cáo của UBND xã Cao Quảng diện tích rừng tự nhiên sản xuất (rừng RSN 2A) ở thôn Phú Xuân bị phá nhiều gồm các đối tượng: ông Nguyễn Thế Anh phá 3.733m2 và ông Nguyễn Tiến Cường phá 4.899m2; ông Trần Văn Kỳ phá 6.933m2, cùng thuộc khoảnh 1, Thiểu khu 203, tờ bản đồ 31 đất lâm nghiệp xã Cao Quảng…
Rừng tự nhiên bị chặt phá đến đâu thì người dân trồng keo đến đó. |
Điều đáng nói là, ngoài phá rừng ở thôn Phú Xuân, ông Nguyễn Thế Anh còn phát rừng tự nhiên sản xuất của mẹ vợ ở thôn Vĩnh Xuân lấn chiếm để trồng keo. Tuy nhiên, trong danh sách đo đếm diện tích bị phá là có, nhưng ông Anh lại không bị xử phạt. Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Anh và ông Nguyễn Tiến Cường là 2 em trai của bà Nguyễn Thị Phương hiện là Chủ tịch HĐND xã Cao Quảng.
Đối tượng tham gia phá rừng có cả con em lãnh đạo địa phương. |
Trước đó năm 2014, ông Nguyễn Quang Huy, hiện đang giữ chức Chủ tịch MTTQVN xã Cao Quảng bị cơ quan chức năng xử phạt 500.000 đồng về việc phá rừng RSN, ở thửa 213, khoảng 6, ngoài Tiểu khu 2, tờ bản đồ 29 lâm nghiệp xã Cao Quảng. Nhưng đến nay, diện tích rừng bị phá đó, gia đình ông Huy vẫn sử dụng trồng keo chứ không hoàn trả và khôi phục trồng lại theo như biên bản xử phạt trước đó.
Trao đổi với PV, ông Mai Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Cao Quảng thừa nhận, thời gian qua trên địa bàn có xảy ra tình trạng phá rừng, phía xã và Hạt kiểm lâm huyện đang phối hợp để đo đếm và xử lý. “Chính quyền các cấp có xử lý một số đối tượng phá rừng, trong đó thôn Phú Xuân xử lý 15 người (phá hơn 3,6 héc – ta rừng), gồm phạt hành chính 14 đối tượng, khởi tố 1 bị can. Trong đó, thẩm quyền xã xử phạt 4 đối tượng, Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa xửa phạt 6 đối tượng, Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt 4 đối tượng và Viện KSND huyện khởi tố 1 bị can. Các hộ đã vi phạm thì phải giải tỏa, trả lại hiện trạng ban đầu. Xử lý thì đối với người nhà lãnh đạo xã cũng có áp lực, lúc đó thì anh em cũng có những trao đổi vừa là trách nhiệm, cũng quan điểm thẳng thắn là làm nghiêm để làm gương. Khi đã xảy ra thì phải chịu trách nhiệm. Hiện xã đang tập trung xử lý, trong đó có cả đất rừng anh Huy. Đối với cán bộ quản lý thì cũng liên đới trách nhiệm, trong đó có bản thân tôi”.
Rừng tự nhiên xã Cao Quảng đang bị xâm chiếm nghiêm trọng. |
Việc bố con anh Trần Văn Dũng (cán bộ Văn phòng UBND xã) mua đất rừng tự nhiên của ông Nguyễn Hiếu ở thôn Tiến Mại (diện tích đất rừng 1.480m2, thuộc khoảnh 2, tiểu khu 192, tờ bản đồ số 28 - PV) để phá trồng keo, ông Tuyên cho biết UBND xã chưa nắm được, sẽ tổ chức kiểm tra xác minh làm rõ sự việc.
Nhiều ha rừng bị người dân chặt phá trong một thời gian dài, lấn chiếm để trồng keo nhưng không hề có sự kiểm tra, can thiệp ngăn chặn nào từ chính quyền địa phương cũng như Trạm kiểm lâm địa bàn khiến cho rừng tự nhiên ngày càng bị xâm chiếm nghiêm trọng.