Sơn La: Đôn đốc giám sát, quan trắc môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 16:49, 17/12/2019

(TN&MT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 62 cơ sở thuộc ngành sản xuất vật liệu xây dựng; 13 cơ sở chế biến cà phê, mía đường, tinh bột sắn; ngoài ra còn hàng trăm cơ sở sơ chế, chế biến tự phát của các hộ gia đình và cá nhân...

Hàng năm, tỉnh Sơn La đã triển khai quan trắc môi trường với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh

Trong đó, có 1 nhà máy xi măng, 34 đơn vị khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); 14 nhà máy sản xuất gạch đất sét nung và 13 đơn vị sản xuất gạch không nung đã được UBND cấp huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT).

Cùng với đó, 8 cơ sở chế biến cà phê, mía đường, tinh bột sắn quy mô lớn đã được UBND tỉnh phê duyệt ĐTM; 5 cơ sở quy mô nhỏ được UBND huyện xác nhận kế hoạch BVMT. Còn lại các cơ sở sơ chế, chế biến tự phát của các hộ gia đình và cá nhân hầu như chưa được UBND cấp huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.

Những năm qua, Sở TN&MT Sơn La đã tăng cường thực hiện giám sát môi trường tại các cơ sở sản xuất xi măng, gạch nung, cát, đá xây dựng, chế biến cà phê, mía đường, tinh bột sắn.

Trong đó, năm 2019, đã thực hiện 7 cuộc thanh tra với 37 đơn vị trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước; 42 cuộc kiểm tra với 101 đơn vị trong các lĩnh vực của ngành trên địa bàn các huyện, thành phố. Giai đoạn 2016-2019, đã xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm 50 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt hơn 3,6 tỷ đồng.

Giai đoạn 2015 – 2019, đã triển khai quan trắc môi trường hàng năm (4 đợt/năm) trên địa bàn toàn tỉnh (bao gồm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm); lập báo cáo hiện trạng môi trường 5 năm (2010 – 2015); quan trắc nguồn nước phòng ngừa ô nhiễm do chế biến cà phê năm 2018 và năm 2019 (2 lần/ tháng sản xuất).

Nhà máy tinh bột sắn BHL tại KCN Mai Sơn là 1 trong 4 cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động

Theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 4 cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, gồm: Nhà máy Đường Sơn La; Nhà Máy Xi Măng Mai Sơn, Nhà máy tinh bột sắn Phú Sơn tại xã Mường Bon huyện Mai Sơn; Nhà máy tinh bột sắn BHL tại khu công nghiệp Mai Sơn.

Thông qua các cuộc thanh, kiểm tra, Sở TN&MT đã yêu cầu các cơ sở trên phải quan trắc tự động theo quy định. Theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 có hiệu lực từ 1/7/2019, thời hạn hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động cho phép đến trước ngày 31/12/2020.

Các cơ sở còn lại thuộc đối tượng quan trắc định kỳ, cụ thể: Cơ sở được phê duyệt báo cáo ĐTM quan trắc 4 lần/năm; các cơ sở xác nhận kế hoạch BVMT quan trắc 2 lần/năm.

Hiện nay, Sở TN&MT đã liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường được chấp nhận đầu tư Dự án tăng cường năng lực quan trắc môi trường tỉnh từ nguồn kinh phí của Trung ương. Dự án đầu tư 2 hạng mục: Mua sắm thiết bị, Phòng Thí nghiệm phục vụ công tác quan trắc môi trường; xây dựng lắp đặt hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động.

Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để sớm triển khai Dự án tăng cường năng lực quan trắc môi trường tỉnh.

Đồng thời, báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh để được đầu tư Trung tâm tiếp nhận, xử lý, lưu giữ số liệu do chủ cơ sở tiến hành quan trắc trong thời gian sớm nhất, nhằm phát hiện kịp thời diễn biến chất lượng phát thải nước thải, khí thải của các nguồn xả thải lớn trên địa bàn tỉnh, cũng như xử lý các sự cố môi trường một cách nhanh chóng.

Qua đó, cũng góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt chủ nguồn thải biết hiện trạng đang phát thải của cơ sở để kịp thời ngừng xả thải; hoặc kiểm tra việc vận hành các công trình xử lý môi trường đảm bảo xả thải đạt quy chuẩn ra môi trường.

Nguyễn Nga