Hội nghị OCOP kết nối các sản phẩm tiêu thụ tại thị trường trong nước
Kinh tế - Ngày đăng : 16:31, 17/12/2019
Hội nghị “Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” với sự tham gia, có mặt đại diện của các cơ quan trung ương, đại diện của hơn 30 tỉnh, thành phố, đại diện của các hiệp hội, ngành hàng, gần 150 doanh nghiệp, hộ sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, và sự có mặt của đại diện các doanh nghiệp phân phối bán lẻ như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Bác Tôm,…
Đại diện các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet Air, doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế, hàng lưu niệm tại sân bay, đại diện các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Lào Cai, Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Kạn…, đại diện các đơn vị kinh doanh lữ hành, khách sạn, du lịch, điểm văn hóa, trạm dừng nghỉ như trạm V52 Hải Dương, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử và các cơ quan báo chí trung ương và địa phương cũng tham dự.
Đây sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của các nhà sản xuất, các nhà phân phối, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của mình.
Hội nghị sẽ là một trong những tiền đề góp phần đẩy mạnh kết nối các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các đặc sản vùng miền vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, vào các hệ thống phân phối trên cả nước và hướng đến xuất khẩu.
Thời gian qua, Chương trình OCOP đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng; trong đó có nhiều sản phẩm thuộc hạng 4 sao, 5 sao.
Mặc dù vậy, nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng chỉ được biết đến ở địa phương mình, chưa được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và thu hút được sự quan tâm của du khách nước ngoài. Nút thắt lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, với nhiệm vụ chính là phát triển thị trường, đẩy mạnh đầu ra cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng, miền, Bộ Công Thương đã triển khai một số hoạt động cụ thể:
Một là, xây dựng hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước: thông qua việc ban hành các Quyết định số 920/QĐ-BCT ngày 16/4/2019 về việc ban hành tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020; Quyết định số 3041/QĐ-BCT ngày 08/10/2019 về việc Ban hành và áp dụng Bộ tiêu chí, mẫu thiết kế Biển hiệu/Biểu tượng cho điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Bộ Công Thương, đồng thời cũng đã hỗ trợ 12 địa phương xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Hai là, đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân.
Ba là, tổ chức các Hội nghị kết nối các sản phẩm nêu trên vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, vào các hệ thống phân phối trên địa bàn cả nước.
Sản phẩm OCOP được giới thiệu và bán sản phẩm OCOP |
Tại Hội nghị, các hoạt động tìm kiếm đối tác, kết nối giữa các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP và đại diện các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm diễn ra sôi nổi.
Đội ngũ mua hàng của các đơn vị tiêu thụ sản phẩm đã trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, trao đổi với hàng trăm doanh nghiệp nhằm thiết lập các giao dịch, đưa ra những tín hiệu thị trường. Trước đó hồ sơ năng lực, các sản phẩm của các sản phẩm OCOP tham dự Hội nghị đã được Ban Tổ chức gửi cho các nhà tiêu thụ nghiên cứu.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018, OCOP được xác định là một giải pháp cụ thể, hiệu quả, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua phát triển nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị mà chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã. |