Hà Nội: Nỗ lực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:15, 17/11/2019

(TN&MT) - Sau 2 năm thực hiện bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học gắn với tăng cường công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đến nay TP Hà Nội có gần 27.160ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng.

Theo kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2018, thành phố Hà Nội có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng gần 27.160ha, chiếm 8,17% diện tích tự nhiên của thành phố (diện tích đất có rừng là hơn 19.637ha, diện tích đất chưa có rừng quy hoạch phát triển rừng là hơn 7.522ha). Trong đó: Diện tích rừng đặc dụng hơn 10.964ha; rừng phòng hộ hơn 5.865ha; rừng sản xuất hơn 9.856ha; rừng ngoài đất quy hoạch cho lâm nghiệp gần 474ha.

Hà Nội chú trọng việc trồng rừng phòng hộ

Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội có chuyển biến tích cực. Điều này thể hiện rõ trong công tác quản lý bảo vệ và PCCC rừng. Thời gian qua, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội cũng đã triển khai tốt và có hiệu quả công tác tổ chức dự báo, cảnh báo cháy rừng.

Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã bố trí kiểm lâm địa bàn thường trực quan sát phát hiện sớm cháy rừng tại các chòi quan sát lửa rừng; tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra những vùng trọng điểm hay xảy ra cháy rừng chú trọng những nơi có số người ra vào rừng đông, tại các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch tâm linh để kiểm soát nguồn lửa sử dụng trái phép tránh cháy lan vào rừng.

Một trong nhiệm vụ trọng tâm nữa mà thành phố Hà Nội tập trung triển khai thời gian qua là thực hiện Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 4924/QĐ-UBND ngày 24-9-2014 của UBND thành phố.

Theo đó, thành phố tập trung bảo tồn và phát triển một số giống hoa, cây cảnh quý hiếm; phát triển giống cây đặc sản như bưởi Diễn, mơ chùa Hương, cam Canh, sen Tây Hồ, rau sắng chùa Hương; bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền giống gà Mía; tiếp nhận và cứu hộ các loài động vật hoang dã… Đồng thời, tiếp tục triển khai 2 nhiệm vụ điều tra khảo sát, luận chứng quy hoạch chi tiết và thành lập khu bảo vệ cảnh quan Hương Sơn và Hồ Tây thuộc Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Ngoài ra, thành phố tập trung triển khai chương trình diệt trừ cây mai dương tại địa bàn huyện Phúc Thọ và Chương trình xây dựng Atlat các loài sinh vật ngoại lai trên địa bàn thành phố. Tính từ năm 2017 đến hết tháng 5-2019, cơ quan chức năng thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi cho 104 cơ sở nuôi các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; 81 cơ sở nuôi các loài động vật rừng thông thường; 1 cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nhằm mục đích giảm tải khai thác từ tự nhiên.

Toàn thành phố cũng đã cấp mới, cấp đổi 94 giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản động vật hoang dã, trồng cấy nhân tạo thực vật hoang dã; tịch thu tái thả vào rừng tự nhiên 57 cá thể động vật rừng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý địa bàn thực hiện các cuộc kiểm tra thường xuyên theo quý, cũng như kiểm tra đột xuất các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã. Hạn chế mức thấp nhất nạn buôn bán, kinh doanh trái phép lâm sản.

Thực hiện công tác quản lý nhà nước, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã thực hiện kiểm tra và gắn chíp điện tử mới cho 254 cá thể gấu nuôi nhốt trên địa bàn thành phố để công tác quản lý gấu nuôi nhốt được chặt chẽ hơn, hướng tới việc chuyển giao gấu nuôi nhốt tới các trung tâm nuôi nhốt bán hoang dã.

Phạm Thu Hà