Mịt mờ “bụi” tỏa ngàn sương

Môi trường - Ngày đăng : 15:07, 17/12/2019

(TN&MT) - Ai đã một lần đến Hồ Tây khi màn sương dày đặc còn bao phủ mặt hồ sẽ thấy được cái hay, cái đẹp của câu ca dao: “Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ” để thực sự sống trong tâm trạng thoát tục trước vẻ đẹp huyền ảo ấy. Nhưng đó là nét chấm phá duyên dáng của một góc Hà Nội xưa. Còn hôm nay, Thủ đô Hà Nội cũng ngập chìm trong “ngàn sương” mờ ảo nhưng lại là bụi mịn.

Những ngày này, Hà Nội và nhiều nơi khác, đi đâu cũng thấy người dân bàn tán chuyện khói bụi, chuyện những chỉ số đo độ ô nhiễm rực rỡ sắc màu, “nhảy nhót” như bản tin chứng khoán, báo hiệu đe dọa trầm trọng sức khỏe. Trong tâm thức của người dân Thủ đô, hạt bụi đã không còn là vật thể quá “nhỏ nhẹ”, mà nó đang thể hiện “quyền lực” của mình trong cuộc sống hôm nay, đồng thời, “hứa hẹn” sẽ là gánh nặng nghiệt ngã cho môi trường sống tương lai.

Cả tuần trời, (8/12 - 15/12), người dân Hà Nội liên tục chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí lên mức đỉnh điểm. Chỉ số đo chất lượng không khí AQI luôn duy trì ở ngưỡng rất xấu, có lúc vượt mức tím lên ngưỡng ô nhiễm cao nhất - ngưỡng nguy hại. Những ngưỡng kỷ lục ô nhiễm không khí tiếp tục được thiết lập với gam màu “tím ngắt” đã quá thường xuyên trong sự lo lắng, ngao ngán và bất lực của người dân Thủ đô.

Một ngưỡng kỷ lục xuất hiện, khi chúng ta đã thừa biết nguyên nhân - không chỉ là các hiện tượng thiên nhiên kiểu “ông trời” và vẫn loay hoay với tâm lý “cha chung không ai khóc”. Tìm giải pháp cải thiện chất lượng không khí cho Hà Nội đã trở thành vẫn đề cấp bách. Chính quyền cũng như cơ quan chức năng từng khuyến cáo người dân hạn chế ra đường. Còn nếu ra đường nên đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi mịn, gây hại cho sức khỏe. Thế nhưng, giải pháp nào để cải thiện chất lượng không khí thì vẫn như mớ “bòng bong”?!

Thủ đô Hà Nội (13/12) chìm trong bụi mịn. Ảnh: Hoàng Minh

Đơn cử, ngay trong việc giảm phát thải từ hoạt động giao thông vận tải, dù vấn đề này được đặt lên bàn cân về chỉ số đánh giá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm không khí, song cứ thử nhìn vào thực tế, với ô tô, xe máy cá nhân vẫn không ngừng tăng lên đủ để thấy thêm những lo ngại với môi trường sống. Đơn cử, giai đoạn 2011 - 2016, trên địa bàn TP. Hà Nội có trên 5 triệu xe máy, gần 500.000 xe ôtô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2016 của ôtô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm. Chỉ tính đồng thời 60% số phương tiện cùng hoạt động đã chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị. Dự báo, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ôtô, hơn 6 triệu môtô, xe gắn máy. Đến năm 2030, số ôtô là hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu.

Ngày 19/12, dự báo một đợt không khí lạnh tăng cường sẽ tràn xuống nước ta khiến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào, trời chuyển rét. Chất lượng không khí Hà Nội sẽ được cải thiện.

Gia tăng phương tiện giao thông cho thấy những hệ lụy nhãn tiền. Nhiều phương tiện quá hạn, không đủ chất lượng vẫn ngày ngày nhởn nhơ lưu thông trên các tuyến đường, gieo rắc nỗi khiếp đảm với môi trường không khí. Mọi sự vẫn bế tắc.

Và khi loay hoay bàn kế sách ứng phó ô nhiễm, điệp khúc “phó mặc cho trời”, - cầu mưa tiếp tục được chờ đợi như một sự cứu cánh để “kéo” bầu trời xanh trở lại. Thực tế, nếu trời mưa, đúng là chất lượng không khí sẽ được cải thiện, nhưng suy cho cùng cũng là thụ động, là nhờ trời, là may rủi… chứ không phải từ sự chủ động ứng phó của con người.

Đợt ô nhiễm không khí tại Hà Nội bắt đầu từ 8/12, khi chỉ số chất lượng không khí liên tục duy trì ở ngưỡng tím - rất xấu (AQI >200). Tiêu biểu như các khu vực: Thành Công, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Cừ... Đặc biệt, theo thống kê của ứng dụng Airvisual, có những thời điểm ngày 14/12, AQI một số khu vực tại Hà Nội vượt ngưỡng tím lên nâu - nguy hại (AQI>300), bao gồm: Hồ Tây, 412, Sài Đồng (Long Biên) 357, Tô Ngọc Vân 359.

Còn nếu từ giác độ quản lý, sự “tím ngắt” cũng chỉ được nhìn nhận là vì tự nhiên, là do ông trời mãi không chịu mưa... mà thiếu đi cách vận động người dân, thiếu biện pháp và các chế tài xử lý các nguồn gây ô nhiễm, có lẽ chúng ta còn phải dài cổ trông trời.

Phương Anh