Thừa Thiên Huế: Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng ở gia súc

Xã hội - Ngày đăng : 10:41, 17/12/2019

(TN&MT) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành công điện về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc.

Theo báo cáo của ngành thú y Thừa Thiên Huế, bệnh LMLM xảy ra rải rác nhỏ lẻ đã được phát hiện sớm và kịp thời khống chế. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, diễn biến phức tạp, nhất là khi điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, nhu cầu vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc gia tăng vào các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Nguyên nhân chủ yếu là do việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt, còn nhiều tồn tại, bất cập, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện, đặc biệt tại tuyến cơ sở; các địa phương đã và đang tập trung các nguồn lực để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nên có tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống các loại dịch bệnh khác, trong đó có bệnh LMLM; việc cung ứng, vận chuyển gia súc giống trong các chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ con giống chưa được kiểm soát theo quy định, gia súc có triệu chứng nghi bệnh LMLM vẫn được vận chuyển và cung ứng cho các hộ dân; hệ thống thú y cấp thôn, xã, huyện và cấp tỉnh có nhiều thay đổi, sáp nhập, cắt giảm làm ảnh hưởng đến công tác chủ động giám sát, phòng chống dịch bệnh, không nắm bắt được thông tin dịch bệnh hoặc có nhưng chưa đầy đủ, chưa kịp thời...

Thừa Thiên Huế tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng ở gia súc

Để khẩn trương khắc phục ngay những tồn tại, bất cập nêu trên và chủ động phòng, chống dịch bệnh LMLM trên địa bàn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP. Huế, Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn, các ban, ngành có liên quan của địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt cần chú trọng một số nội dung như.

Xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh, lây lan dịch bệnh sang các địa phương khác. Hằng ngày, báo cáo đầy đủ, chi tiết và kịp thời về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y theo đúng quy định hiện hành. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc cần thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch xuất, nhập con giống theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo không để lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi, các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ khi mới xảy ra, không để lây lan diện rộng. Khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin cho 100% số gia súc thuộc diện tiêm, ít nhất đạt trên 80% tổng đàn trâu bò; rà soát và tổ chức triển khai tiêm phòng bổ sung vắc xin tụ huyết trùng và các bệnh khác cho đàn gia súc. Tổ chức vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột tại các ổ dịch, các tuyến đường và phương tiện ra vào ổ dịch, các địa điểm nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của thôn, xã, phường và các phương tiện truyền thông của địa phương; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyệt đối không bán chạy gia súc bệnh, không thả rông gia súc ở địa bàn đang xảy ra dịch bệnh, không vứt xác gia súc chết ra ngoài môi trường...

Ở một diễn biến khác, Dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn đang diễn biến phức tạp tại Thừa Thiên Huế. Tính đến nay, dịch đang xảy ra tại 703 thôn, 122 xã thuộc tất cả 9 huyện trên địa bàn tỉnh. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là hơn 72.500 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy là hơn 4.350 tấn.

Văn Dinh