Kỳ vọng đổi thay pháp lý bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 10:02, 17/12/2019

(TN&MT) - Môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp, trong khi Luật BVMT qua gần 5 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ những bất cập, xung đột, chồng chéo với một số hệ thống pháp luật khác... Đây là vấn đề mà các chuyên gia chỉ rõ khi khởi động chương trình sửa đổi Luật BVMT năm 2014.

Nhận diện để đổi mới

Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, các nhà quản lý cho rằng, việc sửa đổi Luật cần dựa trên quan điểm: Phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm của Đảng về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên. Đưa môi trường cùng với kinh tế, xã hội là ba trụ cột trung tâm của phát triển. Đảm bảo sự đồng bộ với các hệ thống pháp luật có liên quan.

Cùng với đó, thể chế hóa đầy đủ nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” thông qua hoàn thiện các công cụ kinh tế, cơ chế tài chính phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; tiếp thu có chọn lọc các mô hình quản lý môi trường thành công của một số nước phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trước mắt, thực hiện áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý chất thải, thu hồi sản phẩm thải bỏ.

Nội dung các quy định của Luật BVMT mới rõ ràng, có tính khả thi và dài hạn

Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, trong đó thực hiện việc rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, đơn giản hóa thành phần hồ sơ thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu điện tử về môi trường.

Tăng cường thống nhất quản lý Nhà nước về BVMT, phát huy vai trò trung tâm của người dân, doanh nghiệp cùng với sự tham gia quản lý của các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở phân công, phân cấp đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, chú trọng vai trò của chính quyền cơ sở theo nguyên tắc “một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm”. Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy vai trò và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.

Đồng thời, chú trọng phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường theo hướng chủ động, có trọng tâm, trọng điểm dựa trên việc phân nhóm, phân loại theo mức độ rủi ro, tính đặc thù của các vấn đề môi trường; kết hợp quản lý ngay trong quá trình với quản lý “cuối đường ống”. Có tiêu chí đánh giá môi trường đối với các địa phương, doanh nghiệp, tăng cường công bố, công khai thông tin về môi trường.

Đề xuất sửa đổi tới 74% nội dung

Hiện thực hóa các quan điểm mới, Bộ TN&MT đã tiến hành rà soát và dự kiến sửa đổi 125 Điều (chiếm 74%) của Luật BVMT năm 2014. Theo đó, Dự thảo Luật BVMT sửa đổi có 17 Chương, 177 Điều, tăng 7 Điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; trong đó, giữ nguyên 30 Điều; bãi bỏ, lồng ghép nội dung vào các điều khác đối với 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 78 Điều; bổ sung mới 57 Điều.

Điểm mới của dự thảo Luật mới là việc sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch BVMT, nhằm bảo đảm thống nhất đồng bộ với pháp luật về quy hoạch và yêu cầu BVM, trong đó quy định rõ nội dung chính của quy hoạch BVMT quốc gia, nội dung BVMT trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Tâm điểm của quy hoạch này là quy định về phân vùng môi trường với 3 mức độ phân vùng môi trường, đó là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế tác động và vùng còn lại để làm căn cứ quyết định cho phép các dự án phát triển.

Đặc biệt, trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Dự thảo Luật hợp nhất, tích hợp 7 loại giấy phép về môi trường và xả nước thải vào nguồn nước hiện có thành giấy phép môi trường, bao gồm: giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT; giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; giấy phép xả khí thải; xác nhận kế hoạch BVMT (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm); tích hợp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi. Cụ thể, sẽ thay thế xác nhận kế hoạch BVMT bằng cấp giấy phép môi trường đối dự án, cơ sở có phát sinh chất thải nhưng ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, hiện nay, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (do cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước chủ trì), xả nước thải vào công trình thủy lợi (do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì) đang thực hiện theo quy định của Luật Tài nguyên nước và Luật thủy lợi, trong khi theo quy định của Luật BVMT việc xả nước thải đã được quy định trong các loại giấy phép, xác nhận về môi trường (1 đối tượng là nước thải có 2 giấy phép điều chỉnh). Việc cấp giấy phép xả nước thải hiện nay, vẫn dựa vào công trình xử lý nước thải và quy chuẩn kỹ thuật môi trường được quy định trong Luật BVMT. Do vậy, việc cấp giấy phép xả nước thải hiện nay là thừa, gây phiền hà, tốn kém kinh phí xin cấp giấy phép của doanh nghiệp.

“Luật BVMT mới sẽ tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế; thống nhất, đồng bộ với pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý đồng bộ về BVMT, thúc đẩy sự phát triển bền vững”.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường

Ngoài ra, dự thảo Luật mới còn có nhiều quy định mới về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; quy định về quản lý cảnh quan thiên nhiên và BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; quy định về ứng phó vói biến đổi khí hậu; quy định về quản lý chất thải; các công cụ kinh tế, nguồn lực cho bảo vệ môi trường…

Tống Minh