Dự án "treo", dân khốn khổ

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 17:24, 16/12/2019

(TN&MT) - Với địa hình đặc thù gần như hơn 90% diện tích đất đai là đồi núi, nằm dưới chân ngọn núi khu du lịch Bà Nà - Núi Chúa. Nhưng hơn 10 năm qua, tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng có tới 48 dự án được quy hoạch. Đến nay, còn cả chục dự án được xếp vào diện “treo lâu”, hoặc phải đề nghị hủy bỏ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh và định hướng phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Cừ, Cán bộ Địa chính xã Hòa Ninh, chỉ tính sơ sơ, trên địa bàn xã hiện có 7 dự án chậm triển khai và đề nghị hủy bỏ dự án, chiếm tới gần 1.300 ha đất các loại tại địa phương. Cụ thể, Khu Công nghệ thông tin tập trung, quyết định UBND thành phố phê duyệt tháng 11/2012, trên diện tích 201ha và Khu Công nghệ thông tin tập trung 2, UBND thành phố phê duyệt tháng 12/2012, trên diện tích hơn 56 ha, cả hai dự này đều do Sở Khoa học - Công nghệ Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng có tới 48 dự án được quy hoạch, đến nay, còn cả chục dự án được xếp vào diện “treo lâu”

Dự án Khu du lịch sinh thái phía Đông nhà vườn Hòa Ninh và Mở rộng kinh tế vườn Hòa Ninh, trên diện tích hơn 70 ha, do bà Đinh Thị Thư Dung làm chủ đầu tư. Khu đô thị sinh thái và biệt thự nhà vườn đường Hoàng Văn Thái, UBND thành phố phê duyệt tháng 1/2014, trên diện tích gần 900 ha... Dự án Khu biệt thự sinh thái tại xã Hòa Ninh, UBND thành phố phê duyệt tháng 12/2015, trên diện tích 150 ha...

Cũng theo ông Cừ, đấy là có những dự án đã điều chỉnh quy hoạch, chứ có thời điểm, trên 8 thôn của xã đều có diện tích nằm trong dự án. Các dự án có diện tích lớn như nêu trên, đã chiếm hầu hết diện tích của các thôn như An Sơn, Đông Sơn, Trung Nghĩa… ảnh hưởng tới cả nghìn hộ dân.

Hiện nay, UBND xã đã “điểm” một số dự án vào dạng “treo quá lâu” đề nghị cần phải thu hồi dự án, có thể kể ra như: Dự án khu du lịch sinh thái phía Đông nhà vườn Hòa Ninh, có diện tích 57 ha, tại thôn An Sơn, quyết định quy hoạch từ tháng 3/2012, chủ đầu tư là bà Đinh Thị Thư Dung; dự án mở rộng khu dân cư kinh tế vườn Hòa Ninh, diện tích hơn 15 ha, cũng tại thôn An Sơn.

Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung 2, tại thôn Sơn Phước, trên diện tích hơn 56 ha…; dự án sân gôn tại khu đất dọc đường Hoàng Văn Thái, tại thôn An Sơn, trên diện tích 200 ha… Theo quy định của Luật Đất đai, các dự án đã phê duyệt, quy hoạch trên 3 năm, phải điều chỉnh lại quy hoạch, nếu không khả thi cần thu hồi dự án, thế nhưng hầu hết các dự án đều quá quy định, tức là đang rơi vào tình trạng “treo”.

Ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, người dân trong vùng dự án không thể làm nhà mới, không thể tách thửa, tách hộ cho con cái họ khi có nhu cầu lập gia đình, cần tạo dựng cuộc sống riêng. Đời sống nhân dân ở vùng dự án rất khó khăn, vì các phương án sản xuất không thể thực hiện, các dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng không thể tiến hành.

Cũng theo ông Thương, UBND xã Hòa Ninh đã kiến nghị, đề nghị UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư sớm triển khai các dự án, nếu chủ đầu tư chưa triển khai thì đề nghị hủy dự án vì những dự án này đã điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Trên địa bàn xã, diện tích đất người dân khai hoang rất lớn, nhưng chưa có chủ chương giao đất nông nghiệp cho nhân dân.

UBND xã Hòa Ninh đã kiến nghị, đề nghị UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư sớm triển khai các dự án, nếu chủ đầu tư chưa triển khai thì đề nghị hủy dự án

Dự án chậm triển khai còn nảy sinh những vấn đề phức tạp, đã có thời gian nhất là vào thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019, đất đai tại các khu vực như thôn An Sơn, Sơn Phước, Hòa Ninh được các đối tượng mua bán đất đai đẩy giá lên trời, vì đây là những vị trí đắc địa, tiếp nối với khu du lịch Bà Nà, Núi Chúa. Nếu là đất ở được đẩy giá lên tới hàng chục triệu đồng một m2, nếu là đất vườn cũng được đẩy lên nhiều tỷ đồng một ha.

Các dự án chậm triển khai, chồng lấn quy hoạch, không khả thi làm cho cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề an cư lập nghiệp về vấn đề phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định đời sống... Chính quyền địa phương cũng lâm vào cảnh “bối rối” khi định hướng phát triển kinh tế xã hội lâu dài trên địa bàn.

 

Xuân Lam