Sử dụng mô hình “Thành phố không phát thải khí nhà kính” xử lý nhiều vấn đề về môi trường

Thời sự - Ngày đăng : 13:49, 16/12/2019

(TN&MT) - Sáng ngày 16/12 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường với Viện Môi trường Phần Lan và Hội thảo tham vấn chuẩn bị dự án “Thành phố không phát thải khí nhà kính” (HINKU).

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc Lễ Ký kết

Đến chứng kiến Lễ Ký kết và tham dự Hội thảo có: Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam; TS. Nguyễn Đức Toàn, Hiệu trưởng trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường; ông Henri Horn, Chuyên gia cao cấp, Đại diện Ban Giám đốc Viện.

Tham dự buổi lễ còn có đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, một số đơn vị có liên quan ngoài Bộ; đại diện các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực môi trường và cán bộ, giảng viên của hai đơn vị.

HINKU - công cụ hiệu quả cho mục tiêu quốc gia về môi trường

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Từ thực tiễn đã và đang diễn ra cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, con người càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò của mình với tự nhiên, do vậy những cách tiếp cận mới đã xuất hiện như quản lý dựa vào hệ sinh thái, không đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế bằng mọi giá, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và mới đây khái niệm “thuận thiên” được quan tâm nhiều hơn.

Một trong những cách tiếp cận mới là mô hình Thành phố không phát thải khí nhà kính đã được áp dụng thành công tại Phần Lan từ năm 2008, với mục tiêu giảm lượng phát thải CO2 xuống 80% vào năm 2030 tại tất cả các thành phố triển khai (tới nay là 64 thành phố).

“Tại Việt Nam, trong thời gian qua, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường và Viện Môi trường Phần Lan trực thuộc Bộ Môi trường Phần Lan đã phối hợp chuẩn bị xây dựng Dự án Thành phố không phát thải khí nhà kính. Tuy Dự án sẽ chủ yếu triển khai tại địa phương (theo kế hoạch thí điểm tại Đà Nẵng và Cần Thơ) nhằm thúc đẩy phát triển thành phố thân thiện với môi trường, thông minh, phát thải carbon thấp và phù hợp với khí hậu, nhưng đây cũng có thể là công cụ hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu quốc gia về môi trường” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết thêm.

Ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Theo Thứ trưởng, Hội thảo hôm nay nhằm mục đích trao đổi, thảo luận và tham vấn ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài Bộ TN&MT; đại diện các tổ chức quốc tế; các giảng viên, nhà khoa học về lĩnh vực môi trường, phục vụ công tác chuẩn bị và xây dựng Đề cương sơ bộ của Dự án.

Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường và Viện Môi trường Phần Lan chính thức ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU). Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa hai Bộ, hai đơn vị; đồng thời, mở ra những triển vọng và cơ hội hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ giúp Trường mở rộng mạng lưới giáo dục với các cơ sở đào tạo nước ngoài nói chung và Phần Lan nói riêng.

Áp dụng mô hình HINKU để xử lý đa lĩnh vực về môi trường

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho biết: Phần Lan đã giải quyết những vấn đề liên quan đến sản xuất rác thải thành điện, đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế cũng như hỗ trợ cho các chính sách của Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề về Khí tượng thủy văn - lĩnh vực đã có mối quan hệ hợp tác truyền thống hiệu quả giữa Bộ TN&MT Việt Nam và Đại sứ quán cũng như các cơ quan ở Phần Lan trong thời gian qua.

Ông Kari Kahiluoto cho rằng dự án HINKU rất phù hợp với các phương thức hợp tác giữa Phần Lan và Việt Nam. HINKU thực ra là một lĩnh vực rất khó để giải quyết của Phần Lan. Chính phủ cũng đã công bố các mục tiêu của Phần Lan để đất nước này có thể giảm cácbon và không phát thải khí nhà kính vào năm 2035.

Theo ông Kari Kahiluoto, số lượng các thành phố tham gia HINKU rất lớn và là những thành phố đi đầu trong phong trào giảm phát thải khí nhà kính và giảm tác động của biến đổi khí hậu. Đây cũng là các thành phố có các hoạt động liên quan đến việc giảm phát thải khí nhà kính trong tiêu thụ năng lượng và trong tham gia giao thông, đẩy mạnh hơn nữa sự hiểu biết của người dân trong giảm phát thải khí nhà kính và giải quyết các vấn đề về môi trường.

TS. Nguyễn Đức Toàn, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường (hàng đầu bên phải) và ông Henri Horn, Chuyên gia cao cấp, Đại diện Ban Giám đốc Viện Môi trường Phần Lan ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa 2 bên

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Tapio Reinikainen – đại diện Viện Môi trường Phần Lan cho biết: Dự án HINKU là dự án khởi đầu của mô hình có thể thực hiện trong khu vực nhà nước. Phần Lan đã sử dụng mô hình này trong 10 năm qua, giúp cho các thành phố nhỏ trong nước phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau xử lý vấn đề phát thải khí nhà kính.

Ông Tapio Reinikainen – đại diện Viện Môi trường Phần Lan trao đổi với phóng viên Báo TN&MT bên lề buổi lễ và hội thảo

Tuy nhiên, ông Tapio Reinikainen cho rằng cũng có thể sử dụng mô hình này để xử lý các vấn đề khác về môi trường như ô nhiễm không khí hay quản lý rác thải và nước thải.

“Viện Môi trường Phần Lan sẽ phối hợp với Việt Nam để tìm ra thách thức lớn nhất và giải pháp hiệu quả nhất - mạng lưới HINKU về giảm phát thải khí nhà kính. Như vậy sẽ cần đưa ra cam kết về giải quyết vấn đề môi trường, sau đó xác định mục tiêu tham vọng, phải có giám sát theo dõi, xác định số liệu ban đầu và mục tiêu trong tương lai. Tiếp theo chúng tôi sẽ dựng trang web để trình diễn các giải pháp và công khai các thông tin liên quan để người dân có thể tìm hiểu các thách thức và giải pháp” - ông Tapio Reinikainen cho biết.

Mai Đan