Mai Sơn – Sơn La: Xử phạt 23 trường hợp vi phạm lĩnh vực môi trường
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 21:21, 15/12/2019
Cơ sở của hộ ông Lò Văn Thanh, bản Mạt, xã Chiềng Mung không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật. |
Một số cơ sở thuộc diện vi phạm, gồm: Hộ ông Lò Văn Thanh, cư trú tại bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn đã không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật, không có kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định tại điểm c, điểm d, khoản 1 Điều 11 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hộ ông Bùi Văn Nam, Nguyễn Văn Hải, bà Trần Thị Hợp, cùng trú tại bản Văn Tiên, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn đã lắp đặt đường ống hoặc đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, không có hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật; quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 11 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ.
UBND huyện Mai Sơn yêu cầu các cơ sở có vi phạm buộc phải có biện pháp quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải trong thời hạn 5 ngày từ ngày ban hành quyết định xử phạt.
UBND huyện giao Đoàn kiểm tra hoàn chỉnh hồ sơ, giám sát, đôn đốc việc nộp phạt; UBND các xã Chiềng Ban, Chiềng Mung giám sát việc khắc phục và hoạt động của cơ sở.
Bên cạnh đó, để siết chặt công tác bảo vệ môi trường với các cơ sở sơ chế cà phê, UBND huyện Mai Sơn đã ban hành Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 5/12/2019, đình chỉ hoạt động với các cơ sở sơ chế cà phê trên địa bàn 2 xã Chiềng Ban, Chiềng Mung.
Quyết định đình chỉ hoạt động trong 3 tháng với tất cả các cơ sở chế biến cà phê bằng phương pháp ướt không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật tại 2 xã Chiềng Ban, Chiềng Mung, huyện Mai Sơn |
Theo đó, huyện Mai Sơn tiến hành đình chỉ hoạt động trong 3 tháng với tất cả các cơ sở chế biến cà phê bằng phương pháp ướt không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật trên địa bàn xã Chiềng Mung, Chiềng Ban.
Nguyên nhân là do các cơ sở chế biến cà phê bằng phương pháp ướt tại đây đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, gồm: Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, bụi thải đạt quy chuẩn kỹ thuật; xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, được quy định tại Điều 11, Điều 13 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường
Hoạt động sơ chế cà phê tại 2 xã trên đã gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Hiện 3 trạm cấp nước (Trạm cấp nước Nà Sản; trạm số 13, thôn 6 xã Chiềng Mung; trạm số 12, tổ 6 phường Chiềng Sinh) đã dừng hoạt động do ô nhiễm.
Do vậy, cần phải áp dụng các giải pháp cần thiết theo quy định tại Điều 112, Luật Bảo vệ môi trường và điểm b, khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; trong đó, có giải pháp đình chỉ hoạt động sơ chế cà phê mà theo quy định của pháp luật không phải có giấy phép và hoạt động sơ chế cà phê có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng với môi trường.
Các cơ sở sơ chế cà phê có hành vi vi phạm, nếu cố tình không chấp hành quyết định đình chỉ sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định.
UBND huyện giao Trưởng Công an huyện chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ giám sát việc chấp hành Quyết định đình chỉ, báo cáo UBND huyện qua phòng TN&MT trước 10 giờ thứ 6 hàng tuần.
Chủ tịch UBND xã Chiềng Mung, Chiềng Ban có biện pháp giám sát 24/24h việc chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm với các cơ sở sơ chế cà phê trên địa bàn quản lý. Báo cáo UBND huyện trước 10 giờ thứ 6 hàng tuần.
Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn quản lý.