Nhà truyền thống ngành Xi măng- Nơi tái hiện lịch sử 120 năm ngành Xi măng

Kinh tế - Ngày đăng : 15:18, 15/12/2019

(TN&MT) - Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) phối hợp với Công ty XM VICEM Hải Phòng long trọng tổ chức Lễ khánh thành Nhà truyền thống ngành Xi măng (XM) tại TP Hải Phòng- nơi cách đây 120 năm trên ngã ba sông Cấm và kênh đào Hạ Lý xưa, nhà máy XM đầu tiên của Việt Nam chính thức ra đời. Kể từ đó đến nay, Nhà máy XM Hải Phòng (nay là Công ty CP Xi măng VICEM Hải Phòng) luôn là nơi giữ lửa tryền thống hào hùng suốt 120 năm qua .

120 năm là trang sử hào hùng, oanh liệt, thấm đẫm máu xương của lớp lớp thế hệ công nhân XM đã hy sinh để bảo vệ nhà máy; là những thành tựu to lớn, vượt khó để “sản xuất thật nhiều XM cho Tổ quốc” như lời bác Hồ kính yêu căn dặn trong lần về thăm nhà máy XM Hải Phòng.

Nhằm khắc ghi lại quá khứ hào hùng của người thợ xi măng, Tổng công ty Xi măng Việt Nam và Công ty Xi măng VICEM Hải Phòng quyết định xây dựng Nhà truyền thống ngành Xi măng Việt Nam trên nền Nhà máy xi măng Hải Phòng xưa. Nhà truyền thống là nơi lưu giữ, bảo tồn những chiến tích thầm lặng của người thợ xi măng trong quá trình đấu tranh bảo vệ, kiến thiết và xây dựng đất nước.

Nghi thức nhấn nút khánh thành Nhà truyền thống Xi măng

Với tổng mức đầu tư 44,2 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa là sự đóng góp của cán bộ công nhân viên lao động toàn VICEM, các công ty liên danh, liên kết, các nhà cung cấp và đối tác, dự án gồm hai hạng mục chính là nhà trưng bày (Bảo tàng ngành Xi măng) và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. … được khởi công ngày 12/3/2019.

Phát biểu tại Lễ Khánh thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, TGĐ VICEM Bùi Hồng Minh, việc xây dưng Nhà truyền thống là xuất phát từ trách nhiệm đối với lịch sử, phát huy truyền thống cách mạng, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân XM cũng như giai cấp công nhân của cả nước, trước những thành tựu đã đạt được trong suốt những năm qua, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tại vị trí ống khói lò 3 năm xưa, thành phố Hải Phòng phê duyệt quy hoạch diện tích 5.127 m2 đất để xây dựng Nhà truyền thống ngành Xi măng. Nơi đây đã được UBND TP Hải Phòng công nhận là di tích lịch sử cách mạng.


Người thợ xi măng năm xưa


Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, giản dị, gần gũi và hài hòa. Nhà truyền thống ngành XM được trưng bày các tư liệu, hiện vật trong quá trình xây dựng, hình thành phát triển của ngành XM Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc (1899-1955): thời kỳ người công nhân XM làm nô lệ, làm thuê cho giới tư bản và thời kỳ 1955-2019: thời kỳ giành chủ quyền, công nhân làm chủ nhà máy, xây dựng chủ nghĩa xã hội, công nhân XM tham gia sự nghiệp đổi mới đất nước.

Tầng 2 của nhà truyền thống trưng bày các tư liệu, hình ảnh về Tổng công ty Xi măng Việt Nam và các đơn vị thành viên. Khuôn viên ngoài trời, trưng bày các hiện vật, thiết bị máy móc liên quan đến công nghệ sản xuất XM có từ thời kỳ pháp thuộc.

Theo Chủ tịch Công đoàn VICEM Phạm Minh Đức, trong quá trình thi công, các nhà thầu xây dựng gặp không ít khó khăn như thi công trong khu đô thị mới đã đi vào hoạt động nên công trường phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây tiếng ồn, thời gian thi công hạn chế, thi công nền móng vướng phải các công trình ngầm của nhà máy cũ còn sót lại, chưa được xử lý…

Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bằng sự quyết tâm, trách nhiệm, những người thợ xi măng cùng các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát đã hoàn thành dự án đúng dịp kỷ niệm 120 năm ngày ra đời của ngành XM Việt Nam, 120 năm ngày khởi công xây dựng nhà máy XM Hải Phòng; 90 năm ngày truyền thống ngành XM Việt Nam .

TGĐ VICEM Hải Phòng Mai Hồng Hải phát biểu tại buổi Lễ

Nhà truyền thống ngành XM được khánh thành sẽ góp phần tạo dựng một thiết chế văn hóa tương ứng với vị thế và tầm vóc phát triển của ngành XM Việt Nam, lưu giữ huy giá trị văn hóa, giới thiệu về lịch sử, về sự phát triển của ngành XM Việt Nam,phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, tôn vinh thế hệ người công nhân XM Việt Nam.

Hằng Thương