Dân bức xúc bởi hệ lụy từ dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 13:24, 15/12/2019
Nhiều tuyến đường giao thông tỉnh lộ, dân sinh, nhiều diện tích đất đai mà dự án này đã mượn để làm đường công vụ vận chuyển nguyên vật liệu thi công bị hư hỏng, bỏ hoang hóa do ảnh hưởng dự án ở Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn chưa được khắc phục… Trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng không ngoại lệ…
Ông Trần Đình Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, để thi công đường gom nhánh C2 chạy vào đường cao tốc tại nút giao thông Túy Loan, phải qua khu dân cư thôn Phú Hòa 1, theo thiết kế có một cống thoát nước D1.500 tại km 0+98. Tuy nhiên, đơn vị thi công là Công ty Thịnh Quốc Phong đã tự ý lấp đất giữa đường nhánh C2 và đường gom để làm đường lên xuống cho ô tô và lãm bãi đậu xe ô tô, lấp toàn bộ đường cống nước đáng lẽ phải thi công.
Các miệng cống thoát nước khi làm dự án đường cao tốc ở khu vực Hòa Nhơn, đều có đáy thấp không thể thoát nước gây ngập úng, xả nước thải vào ruộng của người dân khi có mưa |
Mỗi khi mưa lớn gây ngập úng làm hư hỏng cả chục ha hoa màu của người dân. UBND xã Hòa Nhơn đã mời Ban Quản lý dự án đường cao tốc làm việc nhiều lần, yêu cầu khắc phục, nhưng hơn một năm qua, vẫn chưa được thực hiện. Tại nút giao thông Túy Loan, trong lần giải tỏa đợt 2, phải di dời 29 hộ dân thôn Phú Hòa, các hộ dân này đã được áp giá đền bù, bố trí tái định cư hoặc phê duyệt hồ sơ hỗ trợ, nhưng đến nay gần 2 năm vẫn chưa nhận được tiền đền bù giải tỏa.
Việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc ổ định nơi ở, kinh doanh, buôn bán, đi lại của người dân. Có lẽ bức xúc nhất là dự án tái định cư hai bên tuyến đường Hòa Thọ - Hòa Nhơn, phục vụ các hộ dân khi giải tỏa lấy mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, được triển khai toàn bộ từ nguồn kinh phí dự án cao tốc.
Nhiều hộ dân sinh sống tại khu tái định cư cho biết, đã triển khai hơn 3 năm qua, nhưng nếu nói khu tái định cư đã đủ điều kiện để người dân nhận đất tái định cư thì hoàn toàn chưa đủ điều kiện. Mặt bằng khu tái định cư chưa được san ủi hoàn chỉnh, nhiều chỗ còn nguyên mặt ruộng cũ sâu hoắm chênh với mặt bằng mới đã được san lấp tới cả 2-3 mét. Hệ thống đường giao thông quanh khu vực cũng chưa hoàn thiện, hoàn toàn không có hệ thống cây xanh.
Bức xúc nhất là hệ thống hạ tầng cống thoát nước thi công dang dở, hễ có mưa lớn là ngập úng, hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt toàn bộ khu dân cư đổ ra đất sản xuất của nhân dân. Tại cống thoát nước số 2, gây ngập úng hơn 3ha đất ruộng thôn Phú Hòa, không thể sản xuất được, 3 năm qua, thành phố phải hỗ trợ hàng trăm triệu đồng.
Tại hệ thống cống số 6, theo thiết kế phải có hệ thống dẫn nước từ khu dân cư chảy ra sông Túy Loan, nhưng công trình bỏ dở, nước từ miệng cống đổ thẳng ra cánh đồng người dân đang canh tác gây ngập úng quanh năm. Nước thải từ miệng cống đổ trực tiếp ra ruộng, không qua xử lý, gây ô nhiễm, hôi thối, người dân đã phản ánh nhiều lần, mỗi năm UBND xã Hòa Nhơn phải bỏ kinh phí hàng chục triệu đồng khơi thông đường thoát nước, nhưng đến mùa mưa đâu lại hoàn đấy…
Đường giao thông liên thôn Phú Hòa phục vụ thi công dự án cao tốc, được thay thế bằng con đường nhỏ, nằm chênh vênh, dốc, nguy hiểm khi tham gia giao thông |
Hệ thống cống thoát nước khi xây dựng khu tái định cư còn ảnh hưởng đến hơn 50 hộ dân thôn Phú Hòa gần đó, nguyên do khi hệ thống cống thoát nước cũ bị san lấp, hệ thống cống mới xây dựng, đáy cống thấp hơn đường giao thông và khu dân cư, nên gây ngập lụt sâu tuyến đường.
Ông Trương Tấn Phát - Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho rằng, để giải quyết, khắc phục, hoàn thiện những tồn tại như hệ thống cống rãnh khu tái định cư, hệ thống đường giao thông liên thôn như trên… cần nguồn kinh phí rất lớn, trách nhiệm này thuộc về Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đề nghị thành phố cần yêu cầu đơn vị này sớm hoàn thành trách nhiệm của mình.