Nước uống của Sydney ô nhiễm bởi tro bụi trong lưu vực đập Warragamba
Thế giới - Ngày đăng : 13:23, 15/12/2019
Theo một chuyên gia an ninh chất lượng nước, các vụ cháy rừng đã để lại một lượng lớn tro bụi trong lưu vực đập Warragamba, nơi cung cấp 80% lượng nước uống Sydney. Ảnh: Brook Mitchell / Getty Images |
Một chuyên gia về nước cảnh báo nguồn cung cấp nước uống của Sydney, thủ đô của Australia đang đứng trước nguy cơ viễn cảnh tồi tệ nhất như một số cộng đồng ở New South Wales (NSW) đang phải đối mặt.
Stuart Khan, một chuyên gia an ninh chất lượng nước và kỹ sư môi trường thuộc Đại học New South Wales cho biết các vụ cháy rừng gần đây đã để lại một lượng lớn tro bụi trong lưu vực đập Warragamba, nơi cung cấp 80% lượng nước uống trong thành phố.
“Tình hình ở Sydney thực sự nghiêm trọng. Có một hồ chứa đầy đất và trầm tích và tro thực sự là một vấn đề bởi vì nó làm cho quá trình xử lý nước khó khăn hơn” - Stuart Khan cho biết thêm.
“Sẽ có một lượng tro khổng lồ trong lưu vực. Trường hợp khả quan nhất là chúng ta có được lượng mưa nhỏ trong nhiều tuần và tháng giúp cây trong rừng tái sinh dần. Nếu có một cơn bão lớn hoặc hiện tượng thời tiết ẩm ướt lớn xảy ra ở lưu vực nước uống ở Sydney, sẽ xuất hiện tro chảy vào đập” - Stuart Khan nói.
Tập đoàn WaterNSW cho rằng các vụ cháy rừng tại lưu vực đập Warragamba không gây rủi ro cho chất lượng nước vào thời điểm này và cơ quan chức năng đã nỗ lực để giảm thiểu các tác động tiềm ẩn.
“Khả năng ảnh hưởng đến chất lượng nước tại đập trên sẽ phụ thuộc vào mức độ và cường độ của các đám cháy rừng và thời điểm xảy ra lượng mưa đáng kể tiếp theo” – WaterNSW cho biết.
Kế hoạch phòng ngừa đang được tiến hành và có thể sử dụng các biện pháp tinh vi, bao gồm lấy nước từ những nơi khác nhau hoặc độ sâu lưu trữ, hoặc biện pháp để cách ly dòng chảy có nguy cơ gây ảnh hưởng chất lượng nước.
Ông Khan cho biết một số cộng đồng trong khu vực, chẳng hạn như Tenterfield ở khu vực phía Bắc New England của NSW đã có nguồn cung cấp nước uống bị ô nhiễm bởi tro.
Khi tro - chứa một lượng lớn carbon hữu cơ - xâm nhập vào nguồn nước, nó có thể lấy oxy từ nước và thay đổi tính hóa học của nước. Theo ông Khan, cá và tảo xanh lam có thể chết do nguồn nước ô nhiễm.
Cặn càng nhiều trong nước thì càng khó xử lý. Ông Khan cho rằng mặc dù Sydney có các hệ thống dự phòng để đối phó với tình huống tương tự nhưng mối đe dọa lớn hơn nhiều ở nhiều cộng đồng khu vực, nơi cơ sở hạ tầng xử lý đã cũ hoặc lỗi thời.
“Tại khu vực bờ biển phía Đông của bang NSW, gần như toàn bộ nguồn cung cấp nước của chúng ta là nước mặt. Cách thức chúng ta bảo vệ các lưu vực là tận dụng các khu vực có rừng xung quanh chúng. Nếu có một đám cháy rừng trong lưu vực, nó sẽ ảnh hưởng đến sự bảo vệ đó” – ông Khan cho biết thêm.
Ông Khan nói: “Chúng ta đã có rất nhiều nơi cung cấp nước từ một hồ chứa, nhưng chỉ có một nhà máy xử lý duy nhất, với cách xử lý tương đối đơn giản”.
Patrick Lane, một nhà thủy văn học về rừng đến từ Đại học Melbourne nói với ABC rằng các khu vực rừng khô, dốc, đặc biệt là dễ bị trượt bùn sau các vụ cháy rừng.