Thừa Thiên Huế: Bất chấp “lệnh cấm”, doanh nghiệp vẫn xây công trình trái phép

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 10:36, 14/12/2019

(TN&MT) - Công ty TNHH Thương mại Bé Thân (Công ty Bé Thân, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) ngang nhiên đóng hàng chục cọc bê tông cốt thép xuống đầm Lập An để xây cầu ngay trong nhà hàng của mình quản lý. Dù đã bị cơ quan chức năng không cho phép nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục thực hiện.

Nhà hàng Bé Thân- nơi xảy ra vụ việc

Xây cầu trái quy định

Những ngày gần đây, người dân ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tại nhà hàng nổi Bé Thân (thuộc Công ty Bé Thân) xuất hiện một cây cầu được đóng cọc bê tông xuống mặt đầm Lập An.

Qua tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Thương mại Bé Thân được Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy phép xây dựng vào tháng 12/2017. Từ đó đến nay, công trình nhà hàng nổi Bé Thân do công ty này làm chủ đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Hằng ngày, đông đảo người dân, du khách thập phương đều đến nhà hàng để thưởng thức hải sản, ngắm cảnh đầm Lập An...

Tuy nhiên gần đây, Công ty Bé Thân đã ngang nhiên hợp đồng đơn vị thi công xây dựng một cây cầu, với nhiều trụ bê tông cắm xuống mặt nước danh thắng đầm Lập An. “Theo tôi điều này là xâm hại cảnh quan thiên nhiên của đầm nước, gây ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng cần kiểm tra gấp...”, một người dân nói.

Cây cầu không phép được Công ty Bé Thân xây dựng trên đầm Lập An

Sau khi phát hiện vụ việc, ngày 6/6 vừa rồi, lực lượng chức năng gồm Ban quản lý Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, Đội Quản lý Đô thị huyện Phú Lộc đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, buộc dừng thi công vì nằm ngoài nội dung, các hạng mục công trình xây dựng mà cơ quan chức năng đã cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp này.

Theo biên bản, Công ty Bé Thân xây công trình cầu đi bộ, các hạng mục công trình gồm phần mặt sàn cầu dẫn đã lắp ghép với chiều dài 17m, rộng 2m, phần chưa lắp ghép sàn gỗ dài 26m. Công ty Bé Thân đã đóng 50 cọc bê tông cốt thép xuống đầm Lập An (kích thước 0,15 x 0,15m, cao 3m) tạo thành hình dạng cầu đi bộ chữ L. Các công trình này không thuộc nội dung cấp phép theo giấy phép xây dựng của Ban quản lý Khu kinh tế- công nghiệp tỉnh.

Những cọc bê tông được đóng xuống đầm, gây nguy cơ xâm hại môi trường

Thế nhưng đến ngày 13/12, PV thực tế lại hiện trường và vẫn thấy công trình vi phạm trên đã không tháo dỡ mà còn làm thêm. Sàn ghép bằng gỗ khi bị lập biên bản có chiều dài 17m tạo thành đường thẳng, nhưng đến nay sàn gỗ đã thành chữ L, dài lên tới hơn 30m. 

“Khi cấp phép xây dựng cho Công ty Bé Thân không hề có hạng mục trên. Chúng tôi đã nói rất rõ về sai phạm này với chủ nhà hàng. Nếu Bé Thân làm được thì những nhà hàng xung quanh cũng sẽ làm theo, đầm Lập An sẽ thành bãi cọc, phá vỡ quy hoạch. Tôi khẳng định lực lượng chức năng đã vào cuộc chứ không thờ ơ, không chống lưng...”, ông Nguyễn Hinh - Đội trưởng Đội Quản lý đô thị huyện Phú Lộc trình bày.

Xử phạt, buộc tháo dở

Ban quản lý Khu kinh tế- công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát đi thông báo yêu cầu Công ty Bé Thân tháo dỡ toàn bộ công trình không phép trên, trả lại nguyên trạng mặt nước đầm Lập An trước ngày 15/12...

Cơ quan chức năng yêu cầu tháo dở công trình sai phạm

Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, trong ngày 13/12, huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với Công ty Bé Thân, với tổng số tiền phạt 40 triệu đồng do quá thời hạn mà tiếp tục cố tình vi phạm xây dựng trái phép (7 ngày kể từ có biên bản).

“Cây cầu này Công ty Bé Thân xây dựng với mục đích dành cho du khách đến chụp ảnh, công trình không có trong nội dung cấp phép. Chúng tôi đã bắt doanh nghiệp khôi phục lại hiện trạng như ban đầu. Họ hứa sẽ tháo dỡ cầu...”, ông Mạnh thông tin thêm.

Doanh nghiệp cũng đã bị xử phạt 40 triệu đồng

Được biết, đầm Lập An có diện tích khoảng 800 ha, là một danh thắng của Thừa Thiên Huế cũng như miền Trung. Đầm phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là hàu. Chạy xe dọc theo con đường ven đầm Lập An, PV chứng kiến hàng vạn lốp xe cao su được các hộ dân kết thành từng khoanh và thả xuống đầm. Ở khu vực đầm có tầm trên 70 hộ dân ở các thôn Lập An, Loan Lý, Hói Mít, Hói Dừa (thị trấn Lăng Cô) làm nghề nuôi hàu, mỗi hộ thả hàng trăm khoanh lốp xe xuống đầm Lập An để cho hàu bám vào, mỗi khoanh được kết từ 5 - 10 lốp xe. Điều này đã làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở đầm Lập An ngày càng trầm trọng hơn.

Ngoài ra hiện ngày càng nhiều những nhà hàng nổi được xây dựng, cơi nới trái phép trên đầm Lập An để đón chào du khách. Cảnh quan môi trường sinh thái đang bị ảnh hưởng. Phía dưới đáy nước ở các nhà hàng đen ngòm. Nhiều rác hữu cơ như đồ ăn, thức uống... được thải xuống nước dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường cho đầm Lập An.

Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Văn Dinh