Quảng Nam: Mua bán hóa đơn khống, 2 giám đốc bị khởi tố

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 10:09, 14/12/2019

(TN&MT) - Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước nhằm trốn thuế, hai giám đốc đã bị cơ quan chức năng Quảng Nam vừa khởi tố.

Công an huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thắm (43 tuổi, trú thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM & DV Hưng Đức Vinh) và Lê Quốc Thịnh (40 tuổi, trú phường An Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyên Chấn Hưng) để điều tra về hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.

Hai giám đốc vừa bị khởi tố vì hành vi mua bán trái phép hóa đơn nhằm hưởng lợi tiền thuế giá trị gia tăng. 

Theo kết quả điều tra, từ năm 2017 đến đầu năm 2018, Nguyễn Thị Thắm mua trái phép 33 tờ hóa đơn giá trị gia tăng của Lê Quốc Thịnh với tổng giá trị hàng hóa trong hóa đơn là hơn 37 tỷ đồng về kê khai để khấu trừ, hưởng lợi tiền giá trị gia tăng của nhà nước với số tiền là hơn 3,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thắm còn bán lại hóa đơn giá trị gia tăng cho nhiều doanh nghiệp ở Quảng Nam.

Bước đầu, cơ quan chức năng thu giữ 69 tờ hóa đơn có mặt hàng liên quan đến 33 tờ hóa đơn mà Thắm mua của Thịnh với tổng giá trị hơn 24 tỷ đồng, hưởng lợi số tiền thuế giá trị gia tăng là hơn 2,2 tỷ đồng.

Một mình đóng cả 2 vai

Liên quan đến Công ty TNHH TM & DV Hưng Đức Vinh, trước đó Báo TN&MT đã có nhiều bài đăng tải về những phản ánh của người dân xã Tam Mỹ Đông đã than trời, kêu đất vì quá ô nhiễm, việc xe vận chuyển đất cũng như những nghi vấn về nhiều vấn đề mập mờ, không hợp lý từ việc tận thu đất từ dự án xây dựng trang trại của Công ty này.

Sau khi bài báo đăng tải, chúng tôi nhận được hoan nghênh của người dân địa phương. Từ đây, dư luận còn tiếp tục phản ánh mối nghi ngờ của họ liên quan đến việc tận thu đất của Cty Hưng Đức Vinh.

Trước đó, người dân địa phương đã có nhiều nghi ngại trong việc tận thu đất tại dự án trang trại của bà Thắm tại xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành.

Một người dân địa phương băn khoăn, bà Nguyễn Thị Thắm làm giám đốc trang trại rồi xin cải tạo mặt bằng. Để đảm bảo tính pháp lý, sau lại lập thêm công ty khác ký hợp đồng tận thu đất từ việc cải tạo này, cả 2 công ty đều do một mình bà Thắm làm giám đốc, bên A cũng bà Thắm mà bên B cũng là bà Thắm?.

Tuy nhiên, là người địa phương chúng tôi thấy vô lý, họ đi đào đất đồi rồi chở đi bán làm vật liệu san lấp mặt bằng. Ai đời thi công trang trại gì mà cứ chăm chăm đào đất bán, đào chỗ này sang chỗ kia, gặp chỗ khó thì bỏ dở. Đặt biệt hơn, khi nào có đầu ra thì mới cho đào đất, thi công trang trại?. Thi công trang trại, cải tạo mặt bằng thì phải triển khai thường xuyên và liên tục, phải triển khai theo đúng bản vẽ biện pháp thi công, gặp đất, gặp đá gì cũng phải cải tạo cho ra mặt bằng, chứ sao thấy đơn vị này gặp đất thì múc, gặp đá thì né?.

“Ở vùng nông thôn nghèo nơi đây, nếu quả thật có một nhà đầu tư về làm trang trại thật thì quá quý, nhưng nhiều nghi ngại cho rằng, đây là hình thức lách luật, lợi dụng việc làm trang trại để hợp thức hóa bằng 2 chữ tận thu nhằm khai thác đất đi bán. Không đời nào, làm trang trại mà đi chọn nguyên một quả đồi, múc hạ xuống 15 mét để làm trang trại?.

Trong khi đó, các khu vực lân cận cũng không thiếu những mãnh đất trũng, bằng phẳng và đủ rộng cho việc lựa chọn làm dự án trang trại. Vậy tại sao nhà đầu tư này lại đi chọn quả đồi để làm trang trại, thật kỳ quặt, khó hiểu?. 

Nhiều mập mờ, nghi ngại

Tiến hành tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, vài năm trước, bà Thắm xin cải tạo 12,05ha đất ở thôn Đa Phú 2, xã Tam Mỹ Đông để làm dự án trang trại kinh tế nông lâm nghiệp kết hợp. Phương án cải tạo được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 471/QĐ-UBND ngày 15/2/2017. Tổng trữ lượng đất đào là 923 ngàn m3, trong đó 863 ngàn m3 sẽ được tận thu đưa đi san lấp.

Đúng như người dân phản ánh, để tận thu lượng đất dư thừa khi cải tạo dự án đem đi bán, bà Thắm ký hợp đồng số 05/HĐ_KT với Cty Hưng Đức Vinh để thực hiện. Tréo ngoe là Cty Hưng Đức Vinh không ai khác chính là công ty do bà Thắm làm Giám đốc.

Bà Thắm đã cho hạ ngọn đồi 15m xuống để tạo mặt bằng làm trang trại.

Tiếp tục, để thực hiện việc tận thu đất, bà Thắm ký tiếp hợp đồng với công ty Vận tải Núi Thành để vận chuyển đất ra ngoài. Từ đây, ngoài chuyện ô nhiễm như đã nói, còn phát sinh nhiều hệ lụy nếu đúng như nghi ngại của người dân về dự án là là giả nhưng khai thác đất là thật.

Rõ ràng, từ ghi nhận của chúng tôi thì những gì dư luận nghi ngại là rất có cơ sở. Thực tế, khi quan sát tại khu vực đồi do bà Thắm khai thác, tận thu đất, chúng tôi mới thấy ngỡ ngàng. Nhiều quả đồi lớn được đào bới lấy đất chỉ còn trơ lại lớp đá cứng. Thử hỏi với lớp đá trơ cứng lại này làm sao có thể trồng cây, làm trang trại?. Chưa hết, ở nhiều vị trí do đá dày, không đào được đất, thì bị bỏ dở, máy móc được luân chuyển qua vị trí khác có nhiều đất hơn để đào lấy.

“Ai đời làm trang trại mà vào vùng đất núi đồi để làm, sao không đi xin những vùng đất bằng phẳng hơn để làm cho đỡ chi phí. Tôi thấy họ đào đất bán thì đúng hơn. Được lớp đất tầng phủ đẹp, phì nhiêu thì đào bán, còn trơ đá căn cỗi thì trồng được cây gì mà làm trang trại”, một người dân bày tỏ.

Trước đó, như bà Thắm chủ trang trại cho biết, vốn dĩ, bà định xin làm trang trai tận thu đất bán san lấp cho cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, ban đầu chỉ xin có 3ha nhưng bên dự án Cao tốc vẽ xin thêm làm thủ tục luôn thể, nhưng trong lúc làm thì vướng nhiều thủ tục nên không kịp hoàn thành. Khi bà Thắm xin được thủ tục thì Cao tốc đã hoàn thành nên hiện tại khi nào có đầu ra thì mới triển khai.

Võ Hà