Đắk Lắk sẽ có Quảng trường quy mô 10.000 người

Kinh tế - Ngày đăng : 16:30, 12/12/2019

(TN&MT) - Thông tin Quảng trường trung tâm Buôn Hồ (Đắk Lắk) với sức chứa khoảng 10.000 người chuẩn bị khởi công nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Đây hứa hẹn là điểm nhấn của đô thị Buôn Hồ trong thời gian tới.

Dự án Quảng trường trung tâm thị xã Buôn Hồ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh

Quảng trường: Xu hướng của các đô thị hiện đại

Những quảng trường rộng lớn với kiến trúc độc đáo, tinh tế ngày càng được thấy nhiều ở các thành phố hiện đại. Đây là yếu tố không thể thiếu trong quần thể đô thị, mang đến những trải nghiệm cuộc sống mới mẻ cho con người.

Ở nước ta trong những năm gần đây, nhiều đô thị được hình thành và đều dành quỹ không gian nhất định cho quảng trường, nó được xem như là biểu tượng, là hồn và không thể thiếu của đô thị hiện đại. Một số quảng trường nổi tiếng như Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, kết nối với khu phố cổ lúc nào cũng nhộn nhịp; Quảng trường 2/9 của Đà Nẵng, nơi diễn ra countdown chào năm mới hằng năm hay Quảng trường - Phố đi bộ Nguyễn Huệ, nơi thường xuyên tổ chức các lễ hội trong nước và quốc tế thu hút hàng triệu người.

Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ còn là không gian công cộng vui chơi, tham quan cho người dân thành phố và du khách

Hơn cả vật chất, đó là giá trị cảm xúc - một trong những vai trò quan trọng của quảng trường đó chính là đem đến cho người dân cảm giác thoải mái và sự tương tác với cộng động được kích thích và phát triển một cách tích cực. Nếu coi một thành phố là một thực thể sống, thì những công viên cây xanh hay vườn hoa được nhìn nhận như là những lá phổi của cơ thể ấy, còn quảng trường có thể coi là trái tim, củng cố và duy trì sức sống cho cơ thể đô thị.

Trên cơ sở giá trị đó, Quảng trường Buôn Hồ tại Đắk Lắk sắp triển khai đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân mong muốn tìm kiếm một không gian cộng đồng lành mạnh, thân thiện và văn minh đích thực để hòa nhịp cùng xu hướng của các đô thị hiện đại trên cả nước.

Hoàn thành bức tranh đô thị Buôn Hồ

Quảng trường Buôn Hồ là “mảnh ghép” góp phần hoàn thiện cụm Trung tâm Hành chính mới của thị xã Buôn Hồ. Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng, được thực hiện trong năm 2019 - 2021 với các hạng mục gồm sân khấu, sân chào cờ, sân đường nội bộ, sân quảng trường, hệ thống cây xanh, bồn hoa cây cảnh, nhà vệ sinh công cộng, đường dạo, đường giao thông và các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật.

Tọa lạc tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk, Quảng trường được xây dựng trên tổng diện tích 3,2 ha với sức chứa khoảng 10.000 người, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Mục tiêu nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu của thị xã Buôn Hồ trong những sự kiện quan trọng của địa phương. Đồng thời, đây cũng là nơi sinh hoạt thể dục thể thao, giao lưu văn hóa của nhân dân trong khu vực.

Theo UBND thị xã Buôn Hồ, sau khi xây dựng hoàn thiện, Quảng trường này không chỉ tạo điểm nhấn cảnh quan cho đô thị mà còn là biểu tượng cho mức độ văn minh và sự phát triển của địa phương. Người dân ở đây sẽ được sở hữu một không gian công cộng hiện đại, văn minh, có thể tiếp cận với mọi người một cách dễ dàng, đồng thời, được tận hưởng những chương trình, lễ hội hấp dẫn mang đến những trải nghiệm sống mới mẻ, thú vị.

Cùng với Quảng trường, việc hình thành khu đô thị kiểu mẫu Buôn Hồ Central Park kề bên, với các công trình như shophouse, trung tâm thương mại, siêu thị, rạp chiếu phim, sân thể dục thể thao, công viên cây xanh, công viên sinh thái ven hồ… sẽ là động lực mạnh mẽ góp phần hoàn thiện bức tranh đô thị hiện đại của Buôn Hồ trong thời gian tới.

Buôn Hồ Central Park sở hữu công viên sinh thái lớn nhất Buôn Hồ, Đắk Lắk

Có thể thấy, chính quyền thị xã Buôn Hồ đã có một chiến lược quy hoạch rõ ràng và dài hạn, đặc biệt là giải pháp mở rộng không gian đô thị với Quảng trường trung tâm và kiến tạo cộng đồng dân cư văn minh tại những khu đô thị hiện đại.

Đây chính là cơ sở để Buôn Hồ trở thành một đô thị bền vững, tạo đòn bẩy đô thị hóa, nâng cao chất lượng sống của người dân, làm bàn đạp để trở thành trung tâm hạt nhân vùng kinh tế phía Bắc của tỉnh, hướng đến mục tiêu trở thành đô thị loại III vào năm 2025.

Trung Dũng