Tiền Giang: Giải pháp cấp bách phòng, chống hạn mặn mùa khô
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:07, 12/12/2019
Dự báo, tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở Tiền Giang thời gian tới sẽ rất nghiêm trọng |
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, trong ngày 11/12, nước mặn trên sông Tiền đã vượt qua TP Mỹ Tho và lên đến Bình Đức (huyện Châu Thành), cách vàm Cửa Tiểu khoảng 60 km, sớm hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Độ mặn đo được trên sông Tiền tại TP Mỹ Tho là 2,13 g/l và tại Bình Đức, cách TP Mỹ Tho khoảng 10 km về thượng lưu là 0,47 g/l.
Biên mặn 1,0 g/l có khả năng lấn sâu đến xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, cách cửa sông 80km. Dự báo mặn cao nhất ở khu vực phía Nam Cù lao Ngũ Hiệp khoảng xấp xỉ 2,0 g/l xuất hiện vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020.
Ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện tại, mực nước đầu nguồn sông Tiền ở mức thấp, tổng lượng nước từ thượng nguồn sông MeKong về khu vực ĐBSCL thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm và thấp hơn rất nhiều so với năm 2015; dẫn đến tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở Tiền Giang trong mùa khô năm 2019-2020 sẽ rất cao và nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, trước diễn biến phức tạp của hạn mặn, UBND tỉnh Tiền Giang đã xây dựng và cấp bách triển khai ngay phương án phòng, chống để nhằm đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho gần 150.000 ha lúa, hoa màu và cây ăn trái trên địa bàn tỉnh; trong đó, vùng dự án ngọt hóa Gò Công có 29.613 ha, vùng dự án Bảo Định trên 52.000 ha và vùng kiểm soát lũ gần 68.000 ha.
Tiền Giang chủ động đóng các cống, đập ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh |
Cụ thể, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các ngành, các địa phương rà soát lại diện tích lúa Thu Đông trễ vụ để khuyến cáo thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Tiếp tục thực hiện đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng đối với diện tích lúa trễ vụ.
Bên cạnh đó, tập trung giải phóng các chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kênh trục, kênh cấp 1 và kênh cấp 2. Tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước; giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước, nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô.
Đồng thời, thường xuyên thông báo tình hình diễn biến mặn rộng rãi đến người dân biết chủ động sản xuất. Tích cực trữ nước trên kênh, rạch, ao và trên đồng ruộng. Tận dụng các ô bao ngăn lũ và triều cường của các địa phương; đóng các cống, đập ngăn mặn, giữ ngọt cho khu vực phía bên trong...
Để thực hiện các biện pháp cấp bách, UBND tỉnh Tiền Giang giao cho Sở NN&PTNT làm cơ quan thường trực, thường xuyên theo dõi, giám sát, chỉ đạo các địa phương, đơn vị về công tác chống hạn mặn bảo vệ sản xuất vụ Đông xuân 2019-2020 ở các huyện phía Đông và công tác ngăn mặn bảo vệ vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây; tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời.
Tiền Giang đặt ra giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho gần 150.000 ha lúa, hoa màu và cây ăn trái |
Sở TN&MT Tiền Giang phối hợp với UBND cấp huyện tuyên truyền cho nhân dân về ý thức bảo vệ nguồn nước, không xả chất thải vào nguồn nước gây ô nhiễm; đề ra các giải pháp để tiến hành thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý và xử phạt vi phạm nhằm quản lý, bảo vệ, đảm bảo an toàn nguồn nước trên các sông, kênh, rạch, trên địa bàn tỉnh.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, chủ động tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình và có kế hoạch nạo vét hệ thống kênh mương, cống lấy nước theo phân cấp quản lý để thực hiện công tác chống hạn mặn. Phối hợp với các địa phương trong triển khai phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và biện pháp cấp nước hợp lý; quản lý phân phối nước chặt chẽ, linh hoạt và tiết kiệm nước.
UBND tỉnh Tiền Giang cũng giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác theo dõi, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo các bộ phận có liên quan kiểm tra, đề xuất công trình bức xúc cần đầu tư để phục vụ cho công tác phòng chống hạn, mặn trong mùa khô năm 2019-2020 đạt hiệu quả thiết thực.
Chiều 11/12, tại cuộc họp khẩn bàn những giải pháp cấp bách để đối phó trước tình hình hạn mặn, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ông Lê Văn Hưởng yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung phòng chống hạn, mặn với tinh thần quyết liệt, kiên quyết không để thiên tai gây ra thiệt hại cho sản xuất, đời sống người dân.
Đồng thời, ông Lê Văn Hưởng cũng đề nghị chính quyền địa phương vận động nhân dân mua thùng trữ nước ngọt hoặc cấp phát thùng để người dân trữ nước phục vụ cho sinh hoạt trong thời gian sắp tới. Tỉnh Tiền Giang cũng sẽ tiến hành ngay việc khoan cấp tốc các giếng lớn để phục vụ khi có nhu cầu khẩn cấp.