Siết chặt sử dụng tài sản công
Xã hội - Ngày đăng : 09:50, 12/12/2019
Theo Chỉ thị, tạm thời chưa thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc); chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng tài sản công; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công theo quy định pháp luật; xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tổ chức quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được giao đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch; thực hiện nghiêm túc việc đăng tải thông tin đấu thầu, đấu giá, niêm yết giá khi thực hiện mua sắm, thuê, sử dụng tài sản công để cho thuê, liên doanh, liên kết, bán, chuyển nhượng tài sản công, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng… theo quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa |
Vấn đề sử dụng tài sản công bấy lâu luôn là đề tài nóng bỏng được dư luận quan tâm. Đã từng có không ít cán bộ “vấp” điều này trong quản lý, tạo nên những câu chuyện buồn trong tiến trình cải cách mà Chính phủ luôn đặt mục tiêu hàng đầu là minh bạch, kiến tạo, đặc biệt là vấn đề quản lý đất đai.
Cho đến hôm nay, câu chuyện về những cơ sở nhà đất bị chuyển đổi sai mục đích sử dụng vẫn là đề tài nóng hổi. Do một số quy định về quyền sử dụng đất quá thoáng, nên ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, nhất là tại các TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng … hàng chục triệu m2 đất do các doanh nghiệp nhà nước quản lý không đưa vào định giá doanh nghiệp khi cổ phần hóa, hoặc được định giá với mức rẻ ngoài sức tưởng tượng.
Thực tiễn cho thấy, đang có nhiều kẽ hở lớn trong quản lý, sử dụng đất đai. Và lật lại những vụ án tham nhũng đất đai từ trước đến nay, sẽ thấy các sai phạm có đủ cung bậc, tính chất - từ không nắm vững luật pháp, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, đến cố ý làm sai, tham nhũng...
Câu chuyện về những lô đất được định giá rẻ mạt, hay việc không trả lại nhà công của một quan chức nào đó, thực ra không mới. Những con người ấy cũng không phải là hiện tượng cá biệt. Các cán bộ ấy, mỗi người một “hoàn cảnh”, đều gặp nhau ở một điểm chung: Họ được giao tài sản công để sử dụng cho mục đích sinh hoạt cá nhân và gia đình trong quá trình thực hiện chức vụ nhà nước; sau đó, bằng những thủ tục đặc biệt gọn nhẹ, được thực hiện kín đáo và với những điều kiện trao đổi rất ưu đãi, những tài sản ấy đã biến thành của tư.
Có nhà nghiên cứu đã chỉ rằng, vấn đề bây giờ không chỉ là thu hồi một, hai căn nhà đã bị chiếm đoạt, thậm chí không phải là thu hồi cho đến căn nhà, miếng đất, chiếc ô tô cuối cùng đang nằm trong tay một cán bộ nào đó; mà cần phải nhanh chóng thủ tiêu hệ thống “ưu đãi”, đặc quyền cư trú nhầm địa chỉ cùng những khuyết tật cố hữu đã và đang tạo điều kiện cho việc bòn rút công sản, công quỹ, cho việc thụ hưởng phúc lợi xã hội trên lưng của người lao động, người đóng thuế.
Bởi vậy, việc triển khai mạnh mẽ Chỉ thị 32/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong thời gian tới hy vọng sẽ thực sự làm minh bạch hơn việc quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là về đất đai.
Tuy vậy, cũng cần phải nhìn nhận rằng, từ việc ban hành văn bản đến khi thực thi còn một khoảng cách khá xa. Để các truyền đạt của người đứng đầu Chính phủ có hiệu lực thực sự, cần siết chặt công tác cán bộ - những người thực thi công vụ, quản lý, sử dụng tài sản công.
Bởi lẽ, bài học thời gian qua cho thấy, khi đức tính chí công vô tư của người cán bộ không có, khi lòng tự trọng chỉ là chuyện “tầm phào” thì đâu có thể nói chuyện phẩm giá!? Cũng từ đó, nó biểu hiện bản chất của một bộ phận người khi công - tư lẫn lộn. Cái tâm của người quân tử đã bị lu mờ trước vật chất.
Đặc quyền ắt sinh đặc lợi. Nhưng hưởng thế nào, ăn đến đâu… âu cũng là vòng xoáy thử thách lòng người, thử thách cái tâm của kẻ cầm cân nảy mực, đứng trên thiên hạ.