Phát triển du lịch bền vững: góc nhìn từ Sa Pa

Du lịch - Ngày đăng : 15:50, 11/12/2019

(TN&MT) - “Cần khai thác tài nguyên để phục vụ phát triển du lịch, không nên để không, giữ nguyên hiện trạng vì sẽ rất lãng phí và không mang lại hiệu quả kinh tế cho cộng đồng, đất nước” - chia sẻ của Th.S Lã Thị Bích Quang - Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội - người có nhiều năm nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững và đặc biệt gắn bó với Sa Pa.

Sapa - Nàng thơ của đất trời Tây Bắc đang là địa danh hút khách du lịch vào hạng bậc nhất cả nước

Xin bà cho biết phát triển du lịch bền vững (PTDLBV) được đánh giá trên những yếu tố nào? Áp dụng vào Việt Nam, PTDLBV có vai trò như thế nào trong chiến lược phát triển du lịch?

Trong những năm qua, PTDLBV đã trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu cũng như giới kinh doanh trong và ngoài nước, đặc biệt là những nghiên cứu liên quan đến quy hoạch và phát triển du lịch.

PTDLBV bắt buộc dựa trên 3 khía cạnh: kinh tế - xã hội - môi trường. Nghĩa là phải đảm bảo được lợi ích kinh tế thiết thực và lâu dài cho tất cả các bên tham gia, phải có được sự tôn trọng và bảo vệ tính xác thực của văn hóa xã hội và di sản cũng như các giá trị truyền thống và phải hướng tới sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên môi trường, bảo tồn di sản thiên nhiên.

PTDLBV là khái niệm không mới với du lịch Việt Nam, nhưng ở thời điểm hoạt động du lịch chịu nhiều tác động và gặp không ít khó khăn, thì PTDLBV trở thành mối quan tâm đặc biệt trong chiến lược phát triển của ngành du lịch nước nhà. Hiện nay, rất nhiều địa phương trong cả nước chọn PTDLBV làm định hướng phát triển, Sa Pa (Lào Cai) cũng là một trong những địa phương đó.

Ẩm thực Tây Bắc

Soi vào các tiêu chí đánh giá PTDLBV, Sa Pa đang ở vị trí nào thưa bà?

Để đánh giá sự PTDLBV tại Sa Pa, chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực tế 5 phân khu du lịch theo quy hoạch phát triển Sa Pa đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Kết quả cho thấy, du lịch phát triển đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Sa Pa, cho phép đa dạng hóa các hoạt động tạo thu nhập mang tính bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương. Tổng doanh thu từ du lịch năm 2018 đạt hơn 4.000 tỉ đồng với 2,4 triệu lượt khách. Thông qua thu nhập từ du lịch trực tiếp hay gián tiếp, nhiều gia đình người Kinh và dân tộc thiểu số ngày càng có một cuộc sống tốt đẹp hơn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Du lịch mang lại nguồn thu cho huyện Sa Pa bằng việc thu thuế, phí tham quan và một số nguồn thu khác. Đồng thời du lịch cũng mang lại cơ hội để tăng nguồn thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Du lịch phát triển cũng đã giải quyết được vấn đề lớn về việc làm tại Sa Pa. Năm 2017 có 5.800 người tham gia làm du lịch và thu nhập bình quân là 5,7 triệu đồng/người/tháng, trong đó số lượng người dân tộc thiểu số tham gia làm du lịch khoảng hơn 2.000 người.

Hiện nay, du lịch Sa Pa đã góp phần đánh thức và bảo tồn các ngành nghề thủ công mĩ nghệ cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc. Nhiều lễ hội, phong tục truyền thống được duy trì, tái tạo và phát triển như Tết “Nhảy” của người Dao Đỏ; lễ hội xuống đồng của người Giáy... đã làm cho các hoạt động văn hóa trở nên năng động và linh hoạt hơn trong cơ chế thị trường. Các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đã góp phần khơi dậy các tiềm năng văn hóa, nâng cao nhận thức và thúc đẩy tích cực cho việc bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hóa.

Về môi trường, phát triển du lịch hiện nay cũng đã thay đổi được thói quen sử dụng nhiên liệu của người dân địa phương. Thay vì chặt cây, phá hủy môi trường sinh thái làm củi thì hiện nay phần lớn đã chuyển sang dùng gas hoặc điện để đun nấu và sưởi ấm.

Nét đẹp văn hóa dân tộc được lưu giữ

Theo bà, trong chặng đường sắp tới, địa phương này cần làm gì để tiếp tục đi theo con đường PTDLBV?

Theo quy hoạch tổng thế phát triển du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030, Sa Pa sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế, thu hút khoảng 5,2 triệu du khách. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, Sa Pa cần phải quyết tâm và tập trung cao độ bởi địa phương này đang phải đối mặt với vấn đề: xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể khu du lịch, vấn đề sức chứa, vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ lưu trú và vui chơi giải trí.

Trong đó, quan trọng là cần xây dựng chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có đủ uy tín, có đủ năng lực, đảm bảo hiệu quả xã hội. Ở đó, người dân địa phương phải được hưởng lợi nhiều nhất (gắn với vấn đề tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo...)

Ruộng bậc thang Sa Pa nhìn từ cáp treo

Nhìn vào việc Sa Pa đã thay đổi tư duy làm du lịch khá thành công khi mạnh dạn mời gọi nhiều doanh nghiệp lớn với các dự án du lịch sinh thái quy mô, theo bà để PTDLBV, nên giữ nguyên hiện trạng tự nhiên vốn có hay cần có sự đầu tư bài bản?

Chúng ta cần khai thác tài nguyên để phục vụ phát triển du lịch, không nên để không, giữ nguyên hiện trạng vì sẽ rất lãng phí và không mang lại hiệu quả kinh tế cho cộng đồng, đất nước. Tài nguyên nếu được khai thác đúng cách, được đầu tư bài bản thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và sinh kế lâu dài cho người dân địa phương. Tuy nhiên, rất cần phải có sự tham gia của chính quyền các cấp trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển du lịch khu vực có tài nguyên đó ngay từ khi bắt đầu.

Quy hoạch phải thể hiện tầm nhìn và định hướng phát triển du lịch của điểm đến, dựa trên thực trạng tài nguyên và có sự khảo sát kỹ lưỡng, có sự tham gia của người dân địa phương. Tuyệt đối tránh việc mạnh ai nấy làm khiến tài nguyên thiên nhiên bị phá hủy, môi trường và các vấn đề xã hội không được đảm bảo, kinh tế địa phương không lớn mạnh, đặc biệt người dân địa phương không còn được làm chủ tài nguyên tại nơi họ sinh sống.

Nên khai thác tài nguyên thiên nhiên, tuy nhiên phải xây dựng được một quy hoạch có tầm nhìn chiến lược, lựa chọn được các nhà đầu tư có trách nhiệm và kế hoạch triển khai thực hiện bài bản, nghiêm túc thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cộng đồng địa phương, đất nước.

Xin cảm ơn bà!

Phương Thảo