Nữ Trung tá Công an cùng đồng phạm lãnh 27 năm tù vì lừa đảo

Xã hội - Ngày đăng : 15:02, 11/12/2019

(TN&MT) - Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vừa tuyên phạt sơ thẩm 14 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thị Phước (SN 1965, trú TP. Pleiku) và 13 năm tù đối với bị cáo Trần Văn Nhâm (SN 1974, trú TP. Pleiku) cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bà Nguyễn Thị Phước 

Theo cáo trạng, bà Phước vốn là Trung tá, đội trưởng đội kỹ thuật hình sự và truy nã Công an TP. Pleiku, còn Nhâm từng là cán bộ Đảng uỷ Khối doanh nghiệp tỉnh Gia Lai. Từ năm 2015 đến năm 2017, với mác là cán bộ, hai người này đã bịa đặt thông tin, tự giới thiệu mình có mối quan hệ với lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Công an và các ban, ngành của tỉnh Gia Lai nên có khả năng xin đi học, xin việc trong ngành Công an, xin xét tuyển vào biên chế, xin chuyển công tác trong các cơ quan nhà nước, xin miễn giảm tiền thuế đất...

 

 

 

Hai vị cán bộ biến chất này đã thống nhất sử dụng những ký hiệu riêng khi liên lạc với nhau như "Cà phê lớn", nghĩa là xin tuyển sinh, tuyển dụng vào ngành Công an; "Cà phê nhỏ" tức là xin việc ngoài ngành Công an; "Ngày xuất hàng" tức là ngày có quyết định tuyển sinh, tuyển dụng… Cơ quan điều tra xác định, Phước và Nhâm đã chiếm đoạt 9 vụ của 8 cá nhân với số tiền 2,76 tỷ đồng để chạy việc, chạy trường.

Các vụ này, Phước nhận tiền rồi đưa một phần cho Nhâm. Trong số này, có trường hợp "Cà phê lớn", bộ đôi này nhận đến 500 triệu đồng/vụ. Quá thời hạn, khi bị gia đình người bị hại nhiều lần đòi lại tiền thì vị nữ Trung tá Công an còn cả gan làm giả các quyết định giấy báo nhập học cùng nhiều giấy tờ khác để tạm thời hoãn việc trả nợ.

Nhâm thời còn là cán bộ Đảng ủy khối Doanh nghiệp Gia Lai

Vào năm 2017, khi nhiều bị hại đồng loạt tố cáo, Phước đã cùng chồng bỏ trốn khỏi địa phương. Ngành Công an sau đó đã ra quyết định tước quân tịch, kỷ luật về mặt đảng và chính quyền đối với nữ Trung tá này. Về phần Nhâm thì cũng bị cơ quan buộc thôi việc trong năm 2017.

Ngoài các vụ trên, Công an tỉnh Gia Lai còn xác định, từ năm 2014 đến năm 2017, Phước đã nhận tiền của 27 người. Tuy nhiên, lực lượng Công an mới chỉ mới làm việc được với 19 người và xác định họ đã đưa cho Phước tổng số tiền là 4,86 tỷ đồng để nhờ chạy trường, chạy việc. Một số trường hợp sau khi không xin được việc, Phước đã trả lại tiền nên những bị hại này đã không làm đơn tố cáo.

Ngọc Linh