Thừa Thiên Huế: Chưa nghiệm thu, bờ kè tiền tỷ chống sạt lở đã nứt gãy
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 14:54, 11/12/2019
Bờ kè tiền tỷ nứt gãy
Qua tìm hiểu của PV, Dự án kè và đường giao thông dọc hói Rột qua thôn Trung Đông (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) có tổng kinh phí gần 1,7 tỉ đồng từ ngân sách địa phương, do UBND xã Phú Thượng làm chủ đầu tư. Đây được xem là công trình kè kết hợp giao thông, phục vụ chống sạt lở và đi lại cho nhiều hộ dân ở thôn Trung Đông.
Đoạn kè đi qua thôn Trung Đông chỉ mới thi công nhưng đã hư hỏng |
Cuối năm 2018, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Vang đã thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình này do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Phú Hưng tư vấn giám sát, thiết kế. Đoạn kè dài 161m; thân cao từ 1,7-2,2m, đỉnh rộng 0,5m; móng cao 0,4m, rộng 1,5-1,67m; kết cấu bê tông đá với mác M150. Đường giao thông cạnh kè thiết kế có quy mô bê tông nông thôn loại C mác M250, dài 243m, rộng 3m, dày 18cm.
Đầu tháng 8/2019, Công ty CP tư vấn và xây dựng An Phát có trụ sở ở xã Phú Thượng bắt đầu thi công. Thời điểm này, nhiều hộ dân vui mừng, phấn khởi khi nhà cửa, công trình tâm linh cạnh sát kênh mương được bê tông hóa chống sạt lở, người dân có đường đi để đỡ vất vả. Tuy nhiên, sau khi thi công không lâu, công trình đã hư hỏng. Đến thời điểm hiện tại, công trình kè Hói Rột đang thi công phần kè, phần đường đang đổ đất mặt bằng, chưa đổ bê tông.
Ghi nhận của PV tại hiện trường, đoạn kè có nhiều điểm nứt gãy, tạo ra khoảng hở từ 2-3 cm; một số điểm nối bị chệch nhau, kè bị đẩy lệch ra bờ sông. Có một đoạn kè bị nứt toác ra một đoạn lớn. Cả đoạn đường lầy lội, nước lênh láng khiến người dân khó khăn trong đi lại. Chất lượng công trình là điều mà dư luận nghi ngại.
“Từ khi tuyến kè thi công dang dở được mấy tháng thì nứt tùm lum, thi công kiểu gì lạ ghê. Người dân sống trong sình lầy, phải nói hết hơi thì đơn vị thi công mới chịu đổ đất trên đường để đi được vào nhà”, chị T. (xóm 13, thôn Trung Đông) chia sẻ.
Nhiều đoạn kè xuất hiện các vết nứt |
Ông Lê Văn Phụng- Trưởng thôn Trung Đông cho rằng, khi mới thi công xong đoạn kè này thẳng, không chệch ra hơn 10cm như bây giờ. Nhiều chỗ nứt và hai múi kè bị lệch nhau thấy rõ. Bây giờ nứt và bị lệch ra vậy thì chúng tôi rất lo lắng về chất lượng công trình...
Tạm dừng công trình
Ông Nguyễn Hữu Toàn - Chủ tịch UBND xã Phú Thượng thừa nhận tình trạng công trình đã xuất hiện nhiều vết nứt ở thân, đỉnh kè và đã ngừng thi công dù thời gian dự kiến hoàn thành là tháng 2/2020.
Theo ông Toàn, việc nứt gãy là do tác động của áp lực nước, bởi khi đang thi công thì gặp ảnh hưởng của bão số 5, số 6 gây mưa liên tục trong nhiều ngày, tạo nên áp lực nước từ trên xuống rất lớn. Hơn nữa đoạn kè bị nứt ngay đoạn vòng cung giữa kè nên tạo ảnh hưởng. Mặt khác, địa chất ở nơi này phức tạp nên có lẻ khi khảo sát đã không đánh giá kĩ càng...
“Dự án đã dừng thi công nhiều tháng qua bởi nếu tiếp tục cho xe cơ giới vào đổ đất thi công có thể khiến thân kè tiếp tục nứt và sụp đổ. UBND xã đã yêu cầu Ban Quản lý dự án xã Phú Thượng làm việc với đơn vị đơn vị liên quan, đề xuất chủ đầu tư phương án khắc phục xử lý trong thời gian sớm nhất cũng như tìm giải pháp lâu dài hơn. Nếu được thì cho kiểm định lại chất lượng bê tông...”, ông Toàn thông tin.
Việc đi lại của người dân bây giờ rất khó khăn. Hiện dự án đã tạm dừng |
Theo biên bản làm việc giữa các bên liên quan, đơn vị giám sát công trình này là Công ty CP tư vấn giám sát Anh Sơn cho rằng, việc đoạn kè cong, nứt là do tải trọng xe tạo áp lực và thời tiết. Công ty TNHH tư vấn xây dựng Phú Hưng (đơn vị tư vấn thiết kế) cho rằng ở đoạn bị nứt cần có biên bản xử lý hiện trường về việc đơn vị thi công tận dụng gốc cây sung để… làm kè, đồng thời cần quan trắc lại địa chất. Còn Công ty CP Tư vấn và xây dựng An Phát, đơn vị thi công kè Hói Rột lại cho rằng, ngoài nguyên nhân kè bị nứt do quá trình thi công máy móc, xe cơ giới chạy gây áp lực thì trong thiết kế công trình này không có phân tích phần áp lực nước ngược.
Được biết Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Vang cũng đã cử cán bộ về kiểm tra thực tế hiện trường. Trong khi chờ đợi các cơ quan liên quan vào cuộc thì người dân địa phương vẫn sống trong “đau khổ” bởi hiện đoạn đường rất lầy lội, xe máy không thể đi lại...
Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.