Vì sao khó xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do sơ chế cà phê

Môi trường - Ngày đăng : 16:24, 10/12/2019

(TN&MT) - Nhiều năm nay, vào niên vụ sản xuất sơ chế, chế biến cà phê, trên địa bàn thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Công tác xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do sơ chế cà phê vẫn đang gặp khó khăn.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có hàng trăm cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ lẻ đang hoạt động, nhưng chưa đảm bảo các điều kiện về môi trường.

Tháng 11/2019 vừa qua, trên địa bàn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước cấp sinh hoạt, làm 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do hoạt động sơ chế cà phê ở khu vực đầu nguồn nước.

Theo thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có hàng trăm cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ lẻ đang hoạt động, nhưng chưa đảm bảo các điều kiện về môi trường. Nước thải phát sinh trong hoạt động sản xuất được chứa vào các ao có lót bạt, không được xử lý, xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.

Việc xử lý chất thải rắn mang tính tự phát, đối với các loại chất thải có thể tái sử dụng (vỏ cà phê ủ làm phân bón; bã sắn làm thức ăn chăn nuôi; cùi ngô, vỏ trấu làm chất đốt) thì có thể được tái sử dụng. Các loại chất thải không tái sử dụng được, được xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm.

Theo phân cấp quản lý, trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, giám sát là của UBND cấp huyện. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La đã thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ UBND cấp huyện trong việc thực hiện công tác kiểm tra giám sát đối với các cơ sở chế biến nhỏ lẻ.

Đồng thời, duy trì công tác phối hợp với UBND các huyện thực hiện tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.

Trong năm 2019, Sở đã ban hành Hướng dẫn số 204/HD-STNMT ngày 04/07/2019, hướng dẫn quy trình ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ và xử lý nước thải sơ chế cà phê theo hướng tái sử dụng chất thải đối với cơ sở sơ chế cà phê quy mô hộ gia đình.

Tháng 11/2019 vừa qua, trên địa bàn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước cấp sinh hoạt, làm 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Nguyên nhân được xác định là do ô nhiễm nước thải cà phê

Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ đã được quan tâm, tuy nhiên vẫn còn xảy ra ô nhiễm môi trường nguồn nước, do ảnh hưởng của nước thải cà phê. Trong đó, có những vụ việc xảy ra trên diện rộng, thời gian kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng trên có rất nhiều. Hiện nay, việc kiểm tra giám sát gặp nhiều khó khăn do số lượng cơ sở lớn, địa bàn rộng, phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện chỉ có 1 cán bộ chuyên trách về môi trường, cấp xã bố trí 1 công chức địa chính kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, dẫn đến không đủ nguồn nhân lực để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

Việc xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường còn chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe; hiệu quả của công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường chưa cao, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế...

Việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, chỉ các cơ sở chế biến ở quy mô công nghiệp mới có khả năng đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, các cơ sở chế biến ở quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ thực hiện chế biến được khoảng 30% lượng nông, lâm sản toàn tỉnh.

70% còn lại được chế biến tại các cơ sở nhỏ lẻ, các cơ sở này không có khả năng đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Trong khi, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ các cơ sở tiếp cận nguồn kinh phí, khoa học công nghệ để thực hiện sản xuất đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, chưa có chính sách, đề án tổng thể đảm bảo việc phát triển sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với công tác bảo vệ môi trường. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu (vùng sản xuất nông nghiệp) và việc quy hoạch khu vực sản xuất, chế biến chưa đồng bộ và thiếu sự thống nhất, nên còn có tình trạng cơ sở chế biến có nguy cơ ô nhiễm cao được xây dựng ở các khu vực nhạy cảm (gần đầu nguồn nước, nằm xen kẽ trong các khu dân cư)…

Để tăng cường quản lý đối với các cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ lẻ, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tỉnh Sơn La đang tập trung nâng cao trách nhiệm về quản lý, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường với các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, huyện, xã. Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường các cấp đối với cơ sở hoạt động chế biến nông sản trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Rà soát đánh giá tổng thể thực trạng trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Lồng ghep vào nội dung quy hoạch tỉnh 2020 – 2025 các nội dung liên quan đến quy hoạch vùng trồng trọt, vùng chế biến phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh gắn với công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường đầu tư kinh phí và nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường…

Nguyễn Nga