Thiết lập hành lang pháp lý môi trường thông thoáng và linh hoạt
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 13:42, 10/12/2019
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định, với nhiều hoạt động tích cực đổi mới trong TTHC, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ dự án, đơn vị sản xuất trong việc rút ngắn thời gian thực hiện TTHC và triển khai các dự án về môi trường.
PV: Quyết định số 2736/QĐ-BTNMT về việc công bố TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các TTHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TN&MT đã chính thức có hiệu lực. Ông cho biết về những điểm mới trong nội dung của Quyết định này?
Ông Nguyễn Hưng Thịnh:
Thực hiện quy định về giải quyết TTHC của Chính phủ; sau khi Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 có hiệu lực, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 2736/QĐ-BTNMT ngày 29/10/2019 để công bố danh mục một số TTHC mới, sửa đổi hoặc bãi bỏ. Cụ thể, có 6 TTHC mới ban hành, 22 TTHC được sửa đổi, thay thế, trong đó, có cắt giảm các điều kiện về hồ sơ, giảm thời gian xử lý hồ sơ; 24 thủ tục hành chính bãi bỏ (11 TTHC cấp Trung ương và 13 thủ tục hành chính địa phương), tức đã giảm được 18 TTHC trong lĩnh vực môi trường (từ 72 xuống còn 54 TTHC.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường. Ảnh: Trường Giang |
6 TTHC mới được quy định nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động tham vấn ý kiến cộng đồng đối với quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương trong việc nghiên cứu đề xuất của chủ dự án về các vấn đề môi trường theo phạm vi quản lý; tăng cường giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của các tổ chức có liên quan….
22 TTHC được sửa đổi, thay thế, trong đó, có cắt giảm các điều kiện về hồ sơ, giảm thời gian xử lý hồ sơ; đặc biệt nội dung cấp Giấy xã nhận đủ điều kiện về nhập khẩu phế liệu sẽ do Bộ TN&MT thực hiện là thực hiện đúng tinh thần của Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý phế liệu nhập khẩu.
24 TTHC bãi bỏ không còn phù hợp với bảo vệ môi trường trong điều kiện hiện nay như: Xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch, chiến lược và kế hoạch; giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu trong trường hợp ủy thác, thẩm định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết…
PV: Việc giảm đầu mục các công đoạn liên quan đến TTHC sẽ có tác động như thế nào đến tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý Nhà nước, thưa ông?
Ông Nguyễn Hưng Thịnh:
24 TTHC được bãi bỏ cho thấy quyết tâm của Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ trong việc cải cách mạnh mẽ TTHC, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” như bãi bỏ và cắt giảm các thủ tục hành chính và nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh, đặc biệt là xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, công khai minh bạch, phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; lồng ghép một số thủ tục hành chính trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản, biển và hải đảo; giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 15 - 25 ngày; thay đổi phương thức kiểm tra Nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1036/VPCP-TH ngày 1/2/2019.
Việc bãi bỏ, giảm bớt TTHC, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ dự án, đơn vị sản xuất trong việc rút ngắn thời gian thực hiện TTHC và triển khai các dự án về môi trường. .
Đối với hoạt động quản lý Nhà nước, việc rút ngắn thời gian cũng tạo áp lực không nhỏ cho bộ phận thực hiện TTHC, tuy vậy, Bộ TN&MT đã kịp thời ban hành Quyết định số 2482/QĐ-BTNMT ngày 27/9/2019 ban hành 7 quy trình nội bộ giải quyết TTHC trong lĩnh vực môi trường, tập trung vào các bộ TTHC thường xuyên phát sinh khối lượng lớn như: Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); phê duyệt ĐMC, ĐTM; kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; cấp Giấy phép nhập khẩu phế liệu; cấp Giấy phép chất thải nguy hại.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, các TTHC chậm tiến độ so với thời hạn trả kết quả, đơn vị giải quyết TTHC phải tổ chức xin lỗi chủ dự án và nêu lý do chậm, muộn và hẹn lại thời gian trả kết quả.
Tôi cho rằng, tất cả những nội dung nêu trên cho thấy, sự nỗ lực và quyết tâm của Bộ TN&MT trong việc thực hiện có hiệu quả công tác CCHC.
PV: Thời gian tới, Bộ có chủ trương, giải pháp gì để tạo đột phá trong CCHC và đặc biệt là giải quyết TTHC trong lĩnh vực môi trường, thưa ông?
Ông Nguyễn Hưng Thịnh:
Để tiếp tục đẩy mạnh tác cải cách TTHC, Bộ đã có những chủ trương và thực hiện đồng bộ các nội dung như tăng cường tiếp nhận và giải quyết TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; mức độ 4.
Tại Văn phòng Một cửa của Bộ, cán bộ được giao tiếp nhận hồ sơ TTHC sẽ hướng dẫn các chủ dự án nộp hồ sơ TTHC qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến (tạo tài khoản, scan văn bản và theo dõi, công khai tiến độ giải quyết thủ tục hành chính ….); hàng tuần kiểm điểm tiến độ xử lý TTHC; tổng hợp kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến… để đánh giá, chấm điểm Thủ trưởng các đơn vị giải quyết TTHC. Đặc biệt, mục tiêu đến 2020, đạt 90% hồ sơ TTHC được nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Một số TTHC có thời hạn xử lý giảm đáng kể so với trước đây như giảm 20 ngày thẩm định, giảm 5 ngày báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Nội dung thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giảm 15 ngày thẩm định đối với các dự án không thuộc loại hình sản xuất gây ô nhiễm cao, giảm 25 ngày đối với các dự án thẩm định thông qua việc lấy ý kiến. Giảm từ 20 - 25 ngày cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và nâng thời hạn hiệu lực của giấy xác nhận từ 3 lên 5 năm. |
Bộ sẽ sớm ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về hực hiện TTHC theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN (Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á) và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, có hiệu lực từ 1/1/2020; theo đó, có các nội dung thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa quốc gia liên quan đến cấp phép nhập khẩu phế liệu.
Thời gian sắp tới, Quốc hội giao Bộ TN&MT trình nội dung sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tiếp tục cắt giảm, lồng ghép các TTHC mà trước đây, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014 chưa thực hiện được.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!