Giữ sông Cầu trong xanh

Môi trường - Ngày đăng : 13:38, 10/12/2019

(TN&MT) - Sông Cầu như một nét vẽ nên thơ chảy trôi giữa những vùng đồi đất, đồng bằng của 6 tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương. Nhưng “sông có khúc, người có lúc”, sông Cầu cũng dần đổi thay theo nhịp sống thường ngày…

Nơi đục, nơi trong

Phân tích chất lượng nước sông Cầu từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc thông tin: Trên dòng chính sông Cầu, khu vực thượng nguồn sông Cầu, đoạn sông chảy từ tỉnh Bắc Kạn đến TP. Thái Nguyên, chất lượng nước sông duy trì ở mức tốt và ít có sự biến động trong giai đoạn 2016 đến tháng 7/2019, nước sông sử dụng được tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác.

Đoạn sông Cầu chảy vào TP. Thái Nguyên,chất lượng nước bị suy giảm so với khu vực thượng nguồn, môi trường nước sông ở mức trung bình, đặc biệt, đoạn sông Cầu từ Hoàng Văn Thụ đến Cầu Gia Bảy, có thời điểm môi trường nước sông ở mức kém, đây là khu vực chịu tác động tổng hợp của nhiều nguồn thải (nước thải sinh hoạt TP. Thái Nguyên, nước thải sản xuất từ Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ và nhà máy gang thép Thái Nguyên,…).

Sông Cầu đoạn chảy qua Bắc Giang

Đoạn sông Cầu chảy qua Bắc Ninh, Bắc Giang,chất lượng nước chỉ ở mức trung bình, nước sông chỉ đáp ứng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác do chịu tác động đáng kể bởi các hoạt động công nghiệp, làng nghề, dân sinh. Các phụ lưu (Sông Công; sông Nghinh Tường; suối Phượng Hoàng), môi trường nước sông duy trì ở mức tốt và ít có sự biến động qua các năm.

Đáng lưu ý, điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước sông kéo dài và không có sự cải thiện qua các năm trên LVS Cầu là sông Sông Ngũ Huyện Khê, mức độ ô nhiễm gia tăng vào mùa khô. Đây là một nhánh sông cấp 1 nằm ở khu vực hạ lưu LVS, bị ô nhiễm khá nặng do tiếp nhận nước thải của làng nghề giấy Phong Khê. Vào mùa mưa, chất lượng nước có cải thiện hơn, nhưng nước sông cũng chỉ có thể sử dụng cho mục đích giao thông thủy.

Giai đoạn từ năm 2018 - 7/2019, trên LVS Cầu xuất hiện điểm nóng ô nhiễm mới là khu vực suối Bóng Tối, chất lượng môi trường nước sông bị ô nhiễm do ảnh hưởng của hoạt động dân sinh (khu vực tiếp nhận trực tiếp nước thải sinh hoạt của TP. Thái Nguyên).

Xả thải chủ yếu từ cơ sở sản xuất, kinh doanh

Tìm ra nguyên nhân khiến chất lượng nước sông Cầu ở một số nơi ở mức kém, Bộ TN&MT đã điều tra, thống kê các nguồn thải. Theo đó, trên lưu vực sông Cầu có khoảng trên 4.000 nguồn thải, gồm: 3.555 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh (CSSX, KD); 144 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN); 238 cơ sở y tế (bệnh viện); 140 làng nghề. Tương ứng với số lượng nguồn thải là lượng nước thải ra sông Cầu.

Ba tỉnh có số lượng nguồn thải lớn nhất là Thái Nguyên (1.095 nguồn thải), Bắc Ninh (983 nguồn thải) và Bắc Giang (799 nguồn thải). Vĩnh Phúc và Bắc Kạn là hai địa phương trên lưu vực sông có số lượng nguồn thải ít nhất, tương ứng 385 nguồn thải và 185 nguồn thải.

Xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng

Đây là kết quả rõ nhất mà các thành viên thuộc Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đã quyết tâm đạt được trong thời gian qua. Trong tổng số 52 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đến nay, đã có 47/52 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 90,4%; còn lại 5/52 cơ sở chưa hoàn thành hoặc đang triển khai xử lý triệt để, chiếm tỷ lệ 9,6%. Trong đó, các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc đã hoàn thành xử lý 100% số cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tỉnh Bắc Ninh đạt 72,72% và Hải Dương đạt 60%.

Tính toán sơ bộ cho thấy, lượng nước thải sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 68.88% toàn vùng, nước thải KCN, CCN khoảng 6,23%, nước thải làng nghề khoảng 24,25% và nước thải y tế chiếm 0,64%. Nước thải từ các nguồn thải này hầu hết vẫn chưa được xử lý trước khi xả vào lưu vực, đặc biệt là nước thải từ sản xuất công nghiệp, làng nghề và nước thải sinh hoạt.

Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, tại lưu vực sông Cầu có 21 cơ sở gây ô nhiễm môi trường phát sinh. Đến nay, đã có 18 cơ sở hoàn thành xử lý triệt để (chiếm tỷ lệ 85,7%); 2 cơ sở chưa hoàn thành hoặc đang triển khai xử lý triệt để (chiếm tỷ lệ 9,5%) và 1 cơ sở tại Bắc Ninh đã ngừng hoạt động.

Theo kế hoạch năm 2020, các Bộ, ngành, địa phương sẽ kiên quyết xử lý, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm nước lưu vực sông Cầu. Biện pháp đặt ra là đồng bộ, nghiêm túc triển khai thống kê, cập nhật dữ liệu nguồn thải nước thải, xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý nguồn thải nước thải tại mỗi địa phương trên lưu vực sông. Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải và cơ chế chia sẻ, công khai thông tin về nguồn thải trên Cổng thông tin môi trường lưu vực sông.

Tống Minh