Cải thiện chất lượng không khí từ câu chuyện xóa bếp than tổ ong: Đánh đổi "không hề nhỏ"
Môi trường - Ngày đăng : 13:35, 10/12/2019
“Tiện và rẻ”, nhưng…
Giờ đi làm mỗi buổi sáng, người dân Hà Nội thường xuyên chứng kiến cảnh khói than mù mịt ở những khu tập thể cũ, thậm chí ngay tại trung tâm phố cổ; nhiều nhất là những cửa hàng, chợ tạm, quán nước, hàng bán đồ ăn sáng, quán phở, đồ ăn nhẹ bình dân…
Theo người dân, sử dụng bếp than tổ ong để giảm chi phí nhưng không mấy ai nghĩ đến chi phí không kiểm soát nổi do chính loại nguyên liệu này gây ra cho sức khỏe con người.
Không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc bếp than như thế này tại các con ngõ hẻm. |
Chị Lê Hà Phương (quận Đống Đa) chia sẻ: “Với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như gia đình tôi, việc sử dụng bếp than tổ ong là lựa chọn hàng đầu. Chỉ với một viên than giá khoảng 3.000 đồng là có thể dùng để đun nấu liên tục trong vài tiếng đồng hồ. Trung bình mỗi ngày tôi sử dụng hết 4 viên than. Nếu sử dụng bếp gas hay điện thì hết cả vốn lẫn lời”.
Theo khảo sát của nhóm phóng viên, những trường hợp kinh doanh nhỏ như hộ chị Phương khá phổ biến ở Hà Nội. Trên con phố Kim Hoa chỉ vài km mà có đến mấy chục hàng quán ăn vỉa hè, hầu hết các cửa hàng này đều sử dụng bếp than tổ ong. Khi được hỏi về tác hại, ai cũng biết, cũng hiểu nhưng vì “tiện và rẻ” nên mọi người vẫn không thay thế sử dụng bếp khác.
Ông Nguyễn Văn Khanh (phường Cửa Nam) cho hay, nhà ông sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu nước uống hàng ngày. Dù biết rõ các tác hại của bếp than tổ ong, các độc tố làm ảnh hưởng tới sức khỏe con người nhưng vì cuộc sống khó khăn nên gia đình vẫn dùng. Ông Khanh lo ngại có thay đổi sang loại bếp khác như bếp điện, bếp ga cũng chưa chắc đã đảm bảo an toàn.
…là “mầm họa”
Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, mỗi ngày thành phố sử dụng đến 528 tấn than tổ ong, lượng khí CO2 phát ra môi trường là rất lớn. Loại than tổ ong người dân sử dụng chủ yếu là loại than cấp thấp, giá rẻ, được trộn với bùn và có hàm lượng lưu huỳnh nhất định để bắt cháy nhanh hơn.
Người dân Hà Nội dùng bếp than tổ ong như một thói quen |
Khi đốt loại than này sẽ phát thải ra môi trường một lượng lớn khí SO2. Tính toán của các chuyên gia cho thấy, nếu mỗi ngày Hà Nội dùng 528 tấn than, tương đương 1.872 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường, sẽ tác động không nhỏ tới sức khỏe người dân.
Trao đổi với phóng viên, TS, Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Ánh – Giảng viên Đại học Y tế công cộng cho biết, khi đốt viên than tổ ong bên cạnh sản sinh ra các khí độc như SO2, NO2, CO còn phát sinh bụi mịn. Bụi mịn có kích thước siêu nhỏ, bé hơn 1/30 đường kính sợi tóc của con người và chúng ta không thể nhìn thấy, nhưng nó có thể đi sâu vào trong phế nang, ảnh hưởng đến hô hấp.
Hít thở những khí này gây ra hiện tượng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, ảnh hưởng đến phổi, tim mạch, thậm chí có thể dẫn tới tử vong nếu hít trong thời gian dài. Đặc biệt, phụ nữ mang thai tiếp xúc với khói bếp than có nguy cơ khiến con bị suy dinh dưỡng. Ngoài ra, khói bếp đặc biệt nguy hiểm với trẻ dưới 5 tuổi.
“Đun bếp than tổ ong còn nguy hiểm tới sức khỏe hơn nhiều so với những tác hại của thuốc lá. Chúng ta có thể hình dung việc đun bếp than tổ ong một lần bằng hút 40 điếu thuốc lá”, Tiến sĩ Ánh so sánh.
Hiện nay, tỷ lệ người mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư thanh quản, viêm nhiễm đường hô hấp và phổi cũng đang có xu hướng tăng lên trong cộng đồng dân cư có sử dụng bếp than tổ ong. Đây được coi là một “mầm họa” gây ô nhiễm không khí và kẻ giết người vô hình, thầm lặng.
Trước thực tế đó, TP Hà Nội thể hiện quyết tâm cao độ nhằm cải thiện chất lượng không khí thông qua lộ trình cụ thể từ xóa bếp than tổ ong, hỗ trợ thay thế sang các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường; cho đến xử phạt hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng bếp than tổ ong…
Bài 2: Hướng tới một Hà Nội "nói không với than tổ ong"