Cuối năm 2021, TP.HCM sẽ có 58 trạm quan trắc môi trường tự động

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 17:10, 09/12/2019

(TN&MT) - Sáng 9/12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, để cung cấp thông tin, số liệu môi trường kịp thời, chính xác cho người dân, TP.HCM sẽ tập trung đầu tư để đến cuối năm 2021 sẽ có 58 trạm quan trắc môi trường tự động.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM trả lời chất vấn các đại biểu HĐND TP.HCM

Tăng tần suất quan trắc khi chưa có trạm quan trắc tự động

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí tại TP.HCM đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống người dân. Trong khi đó, việc chủ động cung cấp thông tin cho người dân về mức độ, số liệu ô nhiễm lại chưa được đầy đủ, kịp thời. Nguyên nhân là cho hệ thống quan trắc môi trường của thành phố còn lạc hậu, chưa được đầu tư kịp thời.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Vấn đề ô nhiễm môi trường phải được nhận diện và đánh giá một cách khoa học thông qua quan trắc các chỉ số môi trường. Hiện tại, trên địa bàn TP.HCM có 237 điểm đặt vị trí quan trắc, chủ yếu là quan trắc thủ công, trong đó có 30 điểm quan trắc môi trường không khí.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đang trong quá trình vận hành thử 6 trạm quan trắc tự động, dự kiến đến đầu năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động chính thức. Người dân có thể tìm hiểu các số liệu quan trắc trên các bảng thông tin giao thông điện tử, trên trang website của Sở TN&MT, Trung tâm Quan trắc TN&MT

Đặc biệt, tại thời điểm ô nhiễm không khí cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua, sau khi có kết quả quan trắc, Sở TN&MT đã chủ động tổ chức họp báo công bố, giải thích nguyên nhân về tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở mức độ ô nhiễm không khí, Sở TN&MT đã phối hợp với Sở GTVT kiểm soát khí các phương tiện giao thông - một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí; đồng thời, phối hợp với Sở Y tế  đưa ra những biện pháp để bảo vệ sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Toàn Thắng cũng thừa nhận do thành phố chưa có trạm quan trắc không khí tự động, chủ yếu là quan trắc thủ công, gián đoạn nên việc công bố thông tin ô nhiễm tới người dân còn chậm.

Vì vậy, TP.HCM đang quá trình đẩy nhanh đầu tư hệ thống trạm quan trắc tự động. Theo lộ trình đầu tư, đến cuối năm 2021, TP.HCM sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 58 trạm quan trắc môi trường tự động, gồm cả không khí, nước mặt, nước dưới đất.

Tình hình ô nhiễm không khí tại TP.HCM những tháng cuối năm 2019 đang diễn biến phức tạp

Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng khẳng định: Chúng tôi không đợi khi có trạm quan trắc tự động thì mới làm được tốt công tác quan trắc môi trường, Sở TN&MT sẽ  tìm những giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả quan trắc. Vừa qua, Sở TN&MT đã có văn bản đề xuất UBND TP.HCM cho phép tăng tần suất quan trắc môi trường không khí hàng ngày (3 lần/ngày) thay vì 10 ngày như hiện nay.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Trương Hải Hiếu về những giải pháp di dời, xử lý  các cơ sở sản xuất ô nhiễm trong khu dân cư, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng khẳng định: TP.HCM không chỉ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm mà di dời cả những cơ sở không phù hợp quy hoạch vào các KCN, cụm công nghiệp tập trung.

Theo kế hoạch, toàn thành phố có 114 cơ sở ô nhiễm phải tiến hành xử lý, di dời. Đến thời điểm này, chỉ còn 5 cơ sở tại Khu phố 5, phường Tân Thuận (Quận 12). Sở TN&MT đang phối hợp với các Sở, ngành và UBND quận 12 thực hiện các biện pháp cưỡng chế buộc các doanh nghiệp này di dời vào các khu công nghiệp tập trung. Ngoài ra, Sở TN&MT đã yêu cầu 56 cơ sở khác hoàn thành lắp đặt hệ thống xử lý khí thải.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, trong năm 2019, Sở TN&MT đã tổ chức kiểm tra 190 cơ sở sản xuất, đã phát hiện 70 cơ sở vi phạm về vận hành hệ thống xử lý nước thải và khí thải, tiến hành xử phạt 15 tỷ động. Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đang phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện tổ chức giám sát 800 cơ sở có phát sinh khí thải, 4.000 có phát sinh nước thải công nghiệp trên toàn địa bàn thành phố.

Đã cấp 62.000 “sổ hồng” chung cư

Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Minh Đức đặt vấn đề: Thời gian qua, người dân mua căn hộ chung cư nhưng chủ đầu tư chây ỳ chậm làm các thủ tục trình cơ quan chức năng cấp “sổ hồng”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người sở hữu căn hộ chung cư. Vậy thời gian tới thành phố sẽ có những giải pháp xử lý vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Năm 2016 - 2018, HĐND Thành phố đã có 2 đợt giám sát UBND Thành phố trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận). Tình từ tháng 12/2018 đến nay, TP.HCM đã cấp được thêm 27 ngàn trường hợp, giúp cho người dân có các quyền, giảm tranh chấp khiếu nại. Tuy nhiên, đến nay toàn thành phố vẫn còn lai 15 ngàn hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận chưa được xử lý.

TP.HCM còn hàng ngàn căn hộ chung cư chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu

Riêng đối với căn hộ chung cư, đến nay toàn thành phố đã cấp được 62 ngàn Giấy chứng nhận tại 194 dự án nhà ở cao tầng. Tuy nhiên, vẫn còn hàng ngàn căn hộ tại nhiều dự án chung cư mặc dù người dân đã vào sinh sống ổn định vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng có 3 nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ trên. Thứ nhất chủ đầu tư thế chấp Giấy chứng nhận để có kinh phí triển khai dự án, nhưng khi xây dựng xong không giải chấp rút Giấy chứng nhận ra khỏi ngân hàng. Thứ hai, chủ đầu tư xây dựng không đúng đối với giấy phép được cấp. Thứ ba là chủ đầu tư chưa hoàn thành các công trình hạ tầng cũng không được nghiệm thu công trình và cấp Giấy chứng nhận.

Về giải pháp, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, Sở TN&MT đã kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành, UBND các quận huyện buộc chủ đầu tư phải khắc phục những sai phạm trong xây dựng, hoàn chỉnh những công trình hạ tầng còn thiếu để làm các thủ tục xem xét cấp Giấy chứng nhận; đồng thời tăng cường giám sát các chủ đầu tư trong quá trình xây dựng các dự án chung cư nhằm ngăn chặn kịp thời những sai phạm.

Đối với trường họp chủ đầu tư thế chấp Giấy chứng nhận trong ngân hàng, TP.HCM đang nghiên cứu giải pháp cho phép ngân hàng giữ lại phần sở hữu của chủ đầu tư tưng ứng tại dự án chung cư và trả lại Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư để tiến hành cấp Giấy chứng nhận cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề này cũng rất phức tạp và không dễ thực hiện.

Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng cũng khuyến cáo người dân khi mua căn hộ chung cư phải cụ thể hóa điều khoản buộc chủ đầu tư phải tiến hành cấp Giấy chứng nhận cho căn hộ trong  hợp đồng mua bán căn hộ.

Cũng tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Sở TN&MT đang áp dụng nhiều giải pháp để đẩy nhanh công tác cấp Giấy chứng nhận cho người dân. Trong đó, Sở TN&MT đã chỉ đạo công khai minh bạch các thủ tục hành chính, quy trình cấp Giấy chứng nhận để người dân nắm rõ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kết nối liên thông với cơ quan thuế để giúp người dân thuận tiện trong làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận.

Nguyễn Quỳnh