Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia
Thời sự - Ngày đăng : 16:54, 09/12/2019
Dự lễ khai trương còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; đại diện lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội; các đồng chí thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; Đại sứ các nước, các tổ chức quốc tế và đại diện các doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng Thế giới; Cơ quan Phát triển Pháp; đại diện Tập đoàn VNPT...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Lễ khai trương cổng dịch vụ công quốc gia |
Chương trình được truyền hình trực tuyến tại điểm cầu chính Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 12/3/2019, tại lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) và giao trách nhiệm cho Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi lễ |
Trong 9 tháng qua với trách nhiệm được giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị cho công tác khai trương Cổng DVCQG. Cùng với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực trong rà soát, chuẩn hóa, nâng cấp cơ sở dữ liệu TTHC; nâng cấp, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt yêu cầu đầu tiên là những dịch vụ nào người dân doanh nghiệp cần thì triển khai trước.
Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách, Cổng DVCQG là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng.
Các đại biểu tham dự buổi lễ |
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cổng DVCQG lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT.
Tại thời điểm khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. cung cấp 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ: Cấp Giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 cung cấp thêm một số dịch vụ công, ví dụ tại Thành phố Hồ Chí Minh là đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là Đăng ký khai sinh…
Khách mời trải nghiệm cổng dịch vụ công quốc gia tại Lễ khai trương |
Trong Quý I năm 2020, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tích hợp lên Cổng DVCQG 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế cá nhân, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, thu phạt vi phạm giao thông đường bộ…
Tại lễ khai trương, các Bộ, ngành địa phương đầu tiên tích hợp dịch vụ trên Cổng DVCQG đã thực hiện ký cam kết điện tử. Tại các điểm cầu trực tuyến, lãnh đạo các tất cả các Bộ ngành và các tỉnh/thành phố thực hiện việc ký cam kết điện tử đồng hành xây dựng, vận hành, phát triển Cổng DVCQG phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đây là việc làm thể hiện sự chung tay trong việc xây dựng, vận hành và phát triển Cổng DVCQG, đẩy mạnh, kết nối, cung cấp thủ tục hành chính lên Cổng DVCQG.
Cổng DVCQG chính thức đi vào hoạt động và là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.