Gia Lai yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy lợi

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 19:03, 07/12/2019

(TN&MT) - Lãnh đạo tỉnh Gia Lai vừa tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Plei Keo (xã Ayun, huyện Chư Sê) và công trình thủy lợi Plei Thơ Ga (xã Chư Đon, huyện Chư Pưh).

Theo Chủ tịch UBND huyện Chư Sê Nguyễn Hồng Linh, công trình hệ thống đập dâng thủy lợi Plei Keo có tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 116 tỷ đồng, có chiều dài gần 105,3 m, được khởi công vào ngày 19-6-2018, hiện nay đã hoàn thành.

Còn hệ thống kênh dẫn thuộc dự án thủy lợi Plei Keo có tổng chiều dài hơn 15,6 km gồm kênh chính, kênh N1, kênh N2, hiện khối lượng thi công đã đạt hơn 70%, dự kiến đến ngày 31/12/2019 sẽ hoàn thành và dẫn nước về nơi sản xuất. Khi hoàn thành, công trình này sẽ cấp nước tưới tự chảy cho khoảng 500 ha cây trồng của 10 làng trên địa bàn xã Ayun.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai đi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi

Đối với công trình hồ chứa nước Plei Thơ Ga được khởi công vào ngày 28/08/2019. Công trình được đầu tư xây dựng với mục đích điều tiết nước cho 2 đập dâng Plei Thơ Ga và Ia Hlốp, góp phần chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân địa phương.

Khi đưa vào sử dụng, công trình sẽ cung cấp nước tưới cho 1.620 ha cây trồng các loại (gồm 620 ha lúa nước và 1.000 ha cây công nghiệp), đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho 19.000 người dân sinh sống trong khu vực. Bên cạnh đó, công trình còn kết hợp nuôi trồng thủy sản, tạo cảnh quan môi trường, cắt giảm một phần lưu lượng đỉnh lũ cho vùng hạ du.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang cho biết ông rất quan tâm đến các dự án trên bởi đều nằm trong khu vực có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số

Cụm công trình đầu mối gồm đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước, hệ thống công trình trên kênh chính, kênh nhánh và các công trình phụ trợ. Theo thiết kế, tổng diện tích mặt bằng xây dựng công trình là 197,91 ha. Trong đó, đất sử dụng lâu dài 170,41 ha và đất sử dụng tạm thời 27,2 ha. Tổng mức đầu tư công trình là 228 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 160,591 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 68,409 tỷ đồng.

Hiện, cụm công trình đầu mối gồm đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước đang được các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự kiến, các hạng mục này sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2019. Sau đó, nhà chức trách sẽ tiến hành công tác giải phóng mặt bằng và thi công hệ thống công trình trên kênh chính, kênh nhánh và các công trình phụ trợ. Dự kiến đến ngày 31/12/2020 công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang cho biết ông rất quan tâm đến các dự án trên bởi đều nằm trong khu vực có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số. Đơn cử, xã Ayun là vùng căn cứ cách mạng nhưng người dân lại rất nghèo, có những làng đồng bào dân tộc thiểu số có đến 86% là hộ nghèo. Người dân ở đây mới có điện thắp sáng và chỉ gieo trồng được một vụ, mùa khô phải bỏ hoang đất vì thiếu nước tưới.

Ông Dương Văn Trang yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thi công cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án để hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra

Do đó, trong thời gian đến, khi có nước từ công trình thủy lợi thì người dân cần tích cực lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương cũng cần quan tâm, chăm lo hơn nữa cho cuộc sống của nhân dân, tạo điều kiện cấp đất cho các gia đình không có đất sản xuất để canh tác trong vụ Đông Xuân này. Tránh tình trạng khi có nước về lại bị động trong sản xuất, làm trễ lịch thời vụ, vì đồng bào nơi đây bao đời nay chưa bao giờ biết đến sản xuất lúa vụ Đông Xuân.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cũng yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thi công cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án để hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cần phải tính toán đến việc sử dụng những vật liệu tốt để nâng cao chất lượng công trình, tránh tình trạng vì áp lực tiến độ thi công mà làm ẩu, làm sao mà việc thi công phải hiệu quả nhất, sao cho vừa tiết kiệm vừa nâng cao chất lượng công trình, tránh tình trạng lãng phí.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cũng giao Sở KH&ĐT đôn đốc các đơn vị thi công cố gắng đẩy nhanh tiến độ để kịp thời cho điều chuyển nguồn vốn giải ngân theo đúng tiến độ.

Đối với việc triển khai vụ Đông Xuân của người dân xã Ayun, huyện Chư Sê, ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết sẽ hướng dẫn lịch thời vụ cho địa phương đảm bảo gieo trồng đúng thời vụ. Đồng thời, Sở cũng sẽ giới thiệu cho xã một số giống lúa chất lượng tốt, phù hợp với khí hậu địa phương và điều kiện canh tác của người dân. Mong rằng, những giống lúa sẽ cho năng suất cao, người dân nơi đây sẽ có vụ Đông Xuân đầu tiên được mùa no ấm.

Ngọc Linh