Phượt đến “cổng trời” ngắm Tổ quốc nơi miền biên ải

Xã hội - Ngày đăng : 13:18, 07/12/2019

(TN&MT) - Đứng trên những “cổng trời” ở cực bắc của Tổ quốc mới thấy được non sông Việt Nam kỳ vĩ lạ thường. “Tự hào hãnh diện, xúc động thiêng liêng”, là tất cả tâm trạng ai đã một lần “liều lĩnh phượt” đến Mèo Vạc, Lũng Cú, Quản Bạ - Những địa danh kỳ vĩ về phong cảnh, khắc nghiệt về thời tiết, lạ lẫm về nét đẹp văn hóa nhân sinh của những con người “sống trong đá chết vùi trong đá”.

“Cổng trời” huyền thoại

Trong dải đất hình chữ S của Tổ quốc Việt Nam, Hà Giang được coi là địa danh “độc, lạ” nhất trong các địa danh “độc lạ”. Đó là những đỉnh núi cao chót vót, lạnh rợn người quanh năm mây mù bao phủ. Trên mỗi đỉnh núi ấy là một “cổng trời”- tên người dân bản xứ đặt ra hàm ý chỉ độ cao của núi, chỉ cái kỳ cùng của tạo hóa thiên nhiên. Song, trong nhiều “cổng trời” ở mỗi địa danh khác nhau, thì “cổng trời Quản Bạ” được coi là “cổng trời” đẹp nhất, kỳ vĩ nhất, huyền thoại nhất và người đến du lịch nhiều nhất.

Đường lên Mèo Vạc

“Cổng trời Quản Bạ” trùng tên với huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang, cao hơn 1.500m so với mực nước biển, cách thành phố Hà Giang khoảng 43 km về phía Bắc. Cổng trời nằm ở giữa 2 đỉnh núi. Đó là ô khoảng trống như một “lỗ thoáng” tạo thành con đường chạy qua. Đây cũng chính là “cửa ngõ” đầu tiên của Con đường Hạnh phúc của tỉnh này tính từ đoạn đầu huyện Quản Bạ.

Đứng trên đỉnh “cổng trời” Quản Bạ, có thể ngắm nhìn được toàn cảnh núi rừng Tây Bắc. Đó là những nương ngô bạt ngàn nối từ quả đồi này với ngọn núi kia. Đó là những khe suối sâu hoẳm và thấp thoáng những ngôi nhà của người Mông đen ẩn dưới chân đồi. Và đó là những cung đường uốn lượn hình “cổ vịt”, hình “xoắn ốc”, hình “rồng” đẹp mê hồn nhưng cũng “lạnh xương sống” khi “phượt” trên những cung đường ấy.

Chiều tan chợ về

Nói đến những con đường trên Cao nguyên đá Hà Giang, không thể không kể ra đây 13 “cổng trời” của 13 xã ở huyện Mèo Vạc. Đây là huyện có “cổng trời” nhiều nhất. Những cung đường ngoằn nghoèo. Núi tiếp núi, vực liền vực và những con thác dữ sâu hoắm dưới dòng sông Nho Quế.

Một địa danh được coi là “hiểm hóc” nhất giữa đỉnh núi quanh năm mây mù, đó là đỉnh Mã Pì Lèng. Nếu đứng từ đỉnh Mã Pì nhìn xuống vực sâu trước mặt, ai cũng cảm giác “đứng tim”. Một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực thăm thẳm sâu, giữa là con đường mang tên Hạnh Phúc đoạn “vắt” qua đỉnh núi này đến mỏm núi khác, đoạn “chạy” theo đường bình độ của mỏm đá.

Dòng sông Nho Quế nhìn từ đỉnh Mã Pì Lèng

Điểm cao nhất của Mã Pì Lèng là “cổng trời”. Tuy không đẹp và lãng mạn như cổng trời Quản Bạ, song độ nguy hiểm thì cao hơn nhiều. Chính độ nguy hiểm này, mà nhiều du khách, nhất là khách Tây ba lô dừng chân ở đây khá lâu, rồi “treo” mình bằng dây trên những mỏm đá nhọn hoắt lừng chừng núi.

Những “khúc đường” uốn lượn nhìn từ Cột cờ Lũng Cú

Một “cổng trời” khác được du khách thập phương không thể bỏ qua trong chặng hành trình, đó là “cổng trời Sơn Vĩ”. Đây là cổng trời nằm ở xã Sơn Vĩ huyện Mèo Vạc. Cổng trời này nằm sát cột mốc biên giới Việt Trung, đường sá đi lại hiểm trở khó khăn, nên hiếm du khách đến địa danh xa xôi này. Nhiều đoàn từ thiện từ miền xuôi đến tặng quà cho đồng bào Mông và bộ đội Biên phòng Sơn Vĩ, cũng chỉ “dừng chân” chụp ảnh thoáng qua, vì không “trụ lâu” với khí hậu khắc nghiệt và độ nguy hiểm đá rơi, đất sạt lở bất cứ lúc nào, nhất là mùa mưa rừng đến.

Người Mông ở đâu, bộ đội Biên Phòng ở đó

 Chiếc xe “Zim 3 cầu” chở chúng tôi đi trên những cung đường cua tay áo, gấp khúc nguy hiểm đến rợn người. Trong suốt chặng đường hơn 40 km từ Thị xã Mèo Vạc đến xã Đồn Biên phòng Lũng Làn xã Sơn Vĩ, xe phải dừng nhiều lần và “bò” từng mét một vì đường xấu và sạt lở do nước mưa từ thượng nguồn đổ về.

Gặp một phụ nữ dẫn 3 đứa trẻ đi bẻ hoa cải vàng sườn núi, chị này nói tiếng Việt chưa rõ bảo: “Qua đoạn đường này là đá tai bèo. Đường khó đi lắm đó”. Chúng tôi dừng xe cho chị thùng mì tôm, 3 đứa nhỏ cho thùng sữa tươi. Chúng cười và châm ống hút tại chỗ.

Bên cột mốc biên thuỳ

Trung tá Nguyễn Văn Tám, công tác tại Phòng Chính trị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên Phòng Hà Giang cho biết, phần lớn người dân ở các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Lũng Cú, Quản Bạ là người dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm đa số.

“Mặc dù những năm gần đây, đời sống của bà con có nhiều thay đổi, nền kinh tế được chuyển đổi, người Mông đã biết làm du lịch, song nhìn chung vẫn nghèo và lạc hậu. Người Mông không thích sống nơi bằng phẳng, họ chọn sườn đồi, hoặc cheo leo giữa núi tai bèo làm nhà ở. Đó là nét văn hóa riêng biệt của họ. Người Mông ở đâu, có bộ đội Biên Phòng ở đó. Sống với bà con dân bản, mới thấy được cái nghĩa cái tình, cái gắn bó giữa quân và dân”, Trung tá Tám, nói.

Ruộng bậc thang của người bản xứ

Một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, phía đáy vực là dòng sông Nho Quế uốn lượn như dải lụa mềm “vắt” quanh chân núi. Chiều đông Mèo Vạc lạnh đến tái người. Để chúng tôi cảm nhận hơn về đất và người Mèo Vạc, Trung tá Tám bảo: “Để tôi hát tặng đoàn bài hát Chiều Đông Mèo Vạc nhé”. Tôi  mở loa điện thoại ghi.

Một bản làng người Mông dưới chân núi tai mèo

Lời bài hát thấm buồn, xúc động nhưng cũng vô cùng cảm phục những con người sống trong đá chết vùi trong đá. “Tôi về thăm Mèo Vạc một chiều Đông/ huyện xa xôi đứng đầu nơi biên cương/ gió lạnh buồn mênh mông núi đá tai mèo/ rừng đá trập trùng đá trước đá sau/ rừng núi đá nuôi bao người khôn lớn/ sống trên đá chết nằm trong đá/ vẫn anh hùng vượt khó đi lên/ để hạt ngô cho hạt thóc nhiều/ Cho ánh điện bừng sáng lung linh/ cho trẻ thơ tới trường học thêm cái chữ/cho bớt đi nghèo đói, cho bớt đi bệnh tật/ cho cuộc đời Mèo Vạc nên thơ/ hỡi người đồng chí / tấm lòng người cộng sản/ cho Mèo Vạc Hà Giang quê ta/ trên con đường đi tới tương lai”.

Lê Khanh