Học sinh Quảng Nam nói không với rác thải nhựa

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 17:33, 06/12/2019

(TN&MT) - Từ năm học 2019-2020, nhiều trường học tại Quảng Nam đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi học sinh thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" bằng nhiều hoạt động thiết thực. Qua đó, giúp học sinh của trường hình thành thói quen không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Ngay từ buổi gặp mặt phụ huynh đầu năm học, BGH Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Tân An, TP. Hội An đã thông báo không dùng bìa ni lông để bao tập, sách cho học sinh và đây cũng là một tiêu chí ưu tiên trong quá trình chấm vở sạch chữ đẹp của thầy cô. Để góp phần bảo vệ môi trường, nhà trường khuyến khích học sinh mang bình nước thân thiện đến lớp và không mang chai nhựa, hộp nhựa dùng một lần khi đến trường.

“Từ đầu năm cô chủ nhiệm nói chúng em không được mang chai nhựa đến trường vì như thế là ô nhiễm môi trường, do nhựa rất độc hại và lâu phân hủy. Bây giờ thì tất cả bạn trong lớp ai cũng làm theo lời cô”, em Lê Huy Thông, học sinh lớp 6/5 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ.

Học sinh TP. Hội An nói không với bọc vở bằng ni lông

Thầy giáo Trần Hoàng - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, ngay từ đầu năm học nhà trường đã phổ biến đến giáo viên, học sinh không dùng các vật dụng sử dụng một lần, nhất là hoạt động buôn bán tại căn tin. Cụ thể, học sinh đến trường không được mang hộp xốp, nhựa đựng thức ăn; văn phòng trường thay đổi các chai nhựa bằng bình gốm, thủy tinh đựng nước trong tiếp khách. Kết quả, nhiều học sinh đã mang cà mèn đựng thức ăn vừa đảm bảo vệ sinh vừa thân thiện môi trường.

Tại căn tin của trường cũng đã thay mới toàn bộ ly nhựa sử dụng một lần bằng hơn 400 ly thủy tinh và ly nhựa sử dụng nhiều lần. Dù hao hụt rất nhiều do học sinh vẫn còn thói quen vứt ly sau khi uống nước, nhưng nhà trường vẫn động viên chủ căn tin kiên trì bổ sung ly mới để đáp ứng nhu cầu của học sinh.

“Trường có 21 lớp học với 860 học sinh nên trước đây mỗi ngày tạp vụ phải thu gom 2 - 3 thùng ly nhựa, nhưng năm này không có. Bây giờ có thể khẳng định rác thải nhựa trong trường đã giảm 90%. Sắp tới trường cũng sẽ triển khai hoạt động thu gom pin đã qua sử dụng bằng cách đổi pin cũ lấy bình thủy tinh nhằm tạo thói quen cho các em không vứt pin bừa bãi”- thầy Hoàng nói.

Ly thủy tinh và ly nhựa sử dụng nhiều lần được thay thế tại căn tin trường học 

Cô giáo Phan Thị Thúy Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bùi Chát (phường Thanh Hà, TP. Hội An) cho biết, trường đã tổ chức phát động nhiều chương trình về môi trường đến học sinh như thi gấp túi giấy; vận động phụ huynh khi mang nước đến trường cho con nên đựng trong bình thủy tinh, thức ăn nên bỏ vào cà mèn, không dùng hộp xốp, hộp nhựa một lần; bao bìa sách vở bằng giấy, báo… “Cái lợi đầu tiên là hạn chế rác thải rất nhiều, thứ hai là phụ huynh học sinh đã hiểu được ích lợi của việc bảo vệ môi trường” - cô Mai tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Hội An khẳng định, nói không với rác thải trong trường học là chủ trương lớn của ngành giáo dục để cùng với thành phố hướng đến mục tiêu giảm rác thải nhựa. Hiện tại tất cả 23 trường tiểu học và THCS với gần 16 nghìn học sinh trên địa bàn thành phố đã cam kết nói không với rác thải nhựa trong trường học.

“Từ đầu năm học, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường phổ biến đến học sinh không bọc vở bằng giấy ny lon, thay vào đó là bọc bằng giấy báo… Đây chỉ là việc làm nhỏ nhưng là cần thiết để thay đổi nhận thức cho học sinh. Mình phải làm trước để lan tỏa, ban đầu là các em, sau đó đến bố mẹ, gia đình, thầy cô giáo, đến cộng đồng.” - ông Dương quả quyết.

Rác thải nhựa trong trường học ở Quảng Nam đã giảm 90%

 

Tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường An Phú, TP.Tam Kỳ), mỗi lớp học đều được trang trí bằng những lọ hoa, cây xanh nhỏ nhắn đầy màu sắc. Những bình hoa này được các em học sinh của nhà trường tận dụng từ những vỏ chai nhựa, tự tay thiết kế và trang trí một cách sinh động, bắt mắt.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết, bên cạnh việc tổ chức hội thi tái chế chai nhựa thành đồ dùng với sự tham gia của học sinh và phụ huynh, nhà trường còn tuyên truyền cho học sinh toàn trường hiểu về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường. 

Nhà trường cũng đã chuyển từ bình nước sử dụng chai nhựa dùng một lần sang dùng chai thủy tinh đựng nước lọc sử dụng hàng ngày. Riêng các trường sử dụng các tiết học ngoại khóa tổ chức các lớp chuyên đề hướng dẫn cho các em. Qua đó, các em tự giác nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời các em sẽ tuyên truyền đến phụ huynh về phong trào này, hạn chế sử dụng đồ nhựa, túi ni lông trong gia đình.

 

Lan Anh