Điện Biên: Cần ngăn chặn tình trạng khai thác đất ruộng trái phép
Đất đai - Ngày đăng : 10:44, 06/12/2019
Nhiều ô tô và máy xúc đang khai thác đất ruộng khu vực bản Bồ Hóng, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. |
Có mặt tại cánh đồng bản Bồ Hóng, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên để tận mắt chứng kiến những thông tin mà người dân cung cấp về hoạt động khai thác đất ruộng trái phép đang diễn ra ở đây. Đúng như những gì người dân phản ánh, hoạt động san múc đất ruộng ở đây diễn ra khá tấp nập. Chỉ có một máy xúc nên hàng chục xe ô tô có tải trọng từ 3 đến 6 tấn đang chờ đến lượt xúc đất chở đi. Qua tìm hiểu, một ngày mỗi xe vận chuyển ít nhất 5 chuyến mang đi bán cho các hộ gia đình có nhu cầu lấp ao, cải tạo vườn, tập trung chủ yếu tại khu vực Pom La và các thôn thuộc khu vực C17, xã Thanh Xương.
Trong vai một người muốn bán đất ruộng, PV đã tiếp cận được một chủ xe tải có biển kiểm soát 27B 01295 để tìm hiểu giá một xe đất mà chủ xe tải này đang mua. Không ngần ngại, chủ xe tải trả lời ngay: “Hiện một xe đất đang mua tại đây nếu có bán thì 50.000đồng/xe”. Khi PV hỏi, giá như vậy có quá rẻ cho một xe 6m3 đất ruộng? chủ xe tải cho rằng: Đây là giá chung, không thể hơn được.
Để tìm hiểu thêm về thực trạng san múc đất ruộng ở đây, PV đã gặp bà Lò Thị Kiến, người dân bản Pá Luống, một bản rất gần với khu vực ruộng đang được người dân san múc chở đi bán. Trao đổi với PV, bà Kiến bức xúc: Tình trạng bán đất ruộng đã diễn ra nhiều năm, có hộ gia đình ruộng sản xuất ổn định hàng chục năm, mặt ruộng vẫn bằng phẳng, nhưng không hiểu sao chủ ruộng lại cho lấy đất với quy mô lớn, sử dụng máy xúc và ô tô vận chuyển đất đi, họ chở cả ngày, không xin phép chính quyền địa phương mà không bị bất cứ cơ quan nào nhắc nhở. Phương tiện san múc, vận chuyển đất ruộng toàn là những phương tiện vận tải lớn, chở quá tải có nguy cơ làm mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng đường giao thông nông thôn và đường nội đồng của bà con nhân dân.
Bà Kiến chia sẻ thêm: Ngày xưa, thường sau vài năm canh tác, một số diện tích ruộng vùng chũng bị bồi lấp đất sau mỗi mùa mưa, nhưng người dân chỉ cải tạo bằng cách lấy theo luống và không sử dụng các phương tiện cơ giới để san múc, đằng này họ dùng máy xúc múc cả lớp mặt và chở đất mang đi với khối lượng hàng trăm khối mỗi nhà, thì có phải là cải tạo không?!
|
Mang sự việc san múc đất ruộng hiện đang diễn ra trên cánh đồng bản Bồ Hóng để trao đổi với lãnh đạo xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, PV được ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cho biết: Thường thì sau mỗi vụ sản xuất, nhất là sau vụ chiêm xuân bà con nông dân có cải tạo lại mặt ruộng để chuẩn bị sản xuất vụ mới thì không phải xin phép. Tuy nhiên, nếu có tình trạng dùng phương tiện cơ giới để san múc đất ruộng, lợi dụng cải tạo để lấy đất chở đi bán, xã sẽ thành lập tổ công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
Không chỉ ở xã Thanh Xương, nhiều diện tích ruộng thuộc các xã Noong Hẹt, Thanh Chăn, Thanh Yên cũng xuất hiện từng tốp máy cày đến khai thác mặt đất ruộng chở đi. Điều đáng nói, vùng ruộng này nằm gần kênh tiêu nên rất dễ gây sạt lở khi lũ về.
Đất được vận chuyển bán cho hộ gia đình cải tạo vườn trồng rau khu vực tổ 16, phường Nam Thanh, thành phổ Điện Biên phủ. |
Việc khai thác đất ruộng sẽ tác động xấu đến sản xuất, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng chất dinh dưỡng trong đất, thay đổi địa hình, địa chất; ảnh hưởng trực tiếp đến sức sống của cây trồng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên đất.
Theo khoản 25, Điều 3 Luật đất đai 2013, quy định: Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính, buộc khắc phục hậu quả.
Việc sử dụng cơ giới san múc, vận chuyển đất ruộng diễn ra công khai, điều đáng nói là điểm san múc đất ruộng cách trụ sở UBND xã Thanh Xương không xa. Câu hỏi đặt ra, có hay không việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương?