Du lịch xanh hơn: Cần tăng cường hợp tác để giải quyết lượng khí thải gia tăng

Thế giới - Ngày đăng : 16:09, 05/12/2019

(TN&MT) - Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đang kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các ngành vận tải và du lịch để chống biến đổi khí hậu.

Cần tăng cường hợp tác để giải quyết lượng khí thải gia tăng giúp du lịch "xanh" hơn

Thúc đẩy du lịch xanh, bền vững

Bên lề Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP25) năm 2019 tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 4/12, UNWTO công bố báo cáo Phát thải CO2 liên quan đến Giao thông của ngành Du lịch, ước tính đến năm 2030, lượng khí thải liên quan đến vận tải sẽ bao gồm 5,3% tất cả lượng khí thải carbon dioxide nhân tạo.

“Nghiên cứu toàn diện này phân tích tác động môi trường của các phương thức vận tải khác nhau trong ngành du lịch”, Giám đốc điều hành Tổ chức Du lịch Thế giới, ông Manuel Butler cho biết tại buổi công bố.

UNWTO cho biết khí thải liên quan đến vận tải vẫn là một thách thức lớn: “Mặc dù du lịch được nhắc đến trong nhiều Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) như một mối quan tâm lớn nhưng hành động giúp du lịch xanh hơn dường như chưa đủ”, ông Ovais Sarmad, Phó Tổng Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho biết.

Trong bối cảnh số lượng người du lịch ngày càng tăng ở cả trong và ngoài nước, các yếu tố dữ liệu trong sự gia tăng phát thải toàn cầu theo dự báo đến năm 2030 sẽ chống lại tham vọng khử cacbon trong ngành giao thông hiện nay.

“Ngành công nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn, nhưng chính phủ các nước phải điều chỉnh chính sách của họ để ở cấp độ quốc tế, chúng ta có thể cùng nhau làm việc nhằm tăng tham vọng” - ông Sarmad nói thêm.

“Chương trình du lịch bền vững One Planet là một cơ chế quan trọng đang diễn ra để thúc đẩy du lịch bền vững trên toàn thế giới” - ông Sarmad nhấn mạnh.

Kịch bản tham vọng cao

Theo nghiên cứu, lượng khí thải CO2 liên quan đến vận tải từ du lịch được dự báo sẽ tăng từ 1,597 triệu tấn lên 1,998 triệu tấn trong giai đoạn 2016-2030.

Dự báo, lượng khách quốc tế và nội địa ​​sẽ tăng từ 20 đến 37 tỷ người, chủ yếu là du lịch nội địa, tiếp theo là khách quốc tế.

Phát thải giao thông liên quan đến du lịch chiếm 22% tổng lượng phát thải trong năm 2016, xu hướng sẽ tiếp tục đến năm 2030.

Phát thải CO2 liên quan đến giao thông vẫn là một thách thức lớn và đòi hỏi các ngành du lịch phải hợp tác chặt chẽ với các ngành vận tải trên toàn thế giới để hỗ trợ cam kết của mình nhằm đẩy nhanh quá trình khử cacbon.

Ngoài ra, ngành du lịch phải xác định kịch bản tham vọng cao của riêng mình, bổ sung cho những nỗ lực của ngành giao thông, chẳng hạn như bằng cách giảm đáng kể sự gia tăng từ khí thải, cho phép tăng cường tham vọng trong các mục tiêu khí hậu quốc tế.

“Hiện tại, ngành du lịch, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách du lịch sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả và đảm bảo lĩnh vực này đóng vai trò hàng đầu trong việc giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu”, người đứng đầu UNWTO kết luận.

Mai Đan