Ngăn chặn suy thoái
Xã hội - Ngày đăng : 09:59, 05/12/2019
Đó là phát biểu của ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tại Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền do Ban Tổ chức Trung ương vừa tổ chức.
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, bên cạnh những thành quả to lớn, công tác xây dựng Đảng còn bộc lộ một số hạn chế. Đáng lo ngại là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp. Công tác cán bộ, nhất là cấp Trung ương, cấp chiến lược còn nhiều bất cập. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” ở nhiều nơi mang tính hình thức.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, còn những bức xúc từ cơ sở về hoạt động của những người thực thi công vụ, của bộ máy hành chính. Quả thực, đây đang là những vấn đề nóng hổi của nền hành chính nước nhà, rất cần có một sự chấn chỉnh quyết liệt để giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Thiết nghĩ, ngay ở cơ sở, việc lắng nghe ý kiến người dân cũng cần phải được thực hiện tốt hơn. Chẳng hạn, nếu cơ quan hành chính khi trễ hẹn trong giải quyết các vấn đề của người dân thì phải xin lỗi. Các thủ tục hành chính cần phải được thực hiện theo đúng tinh thần của một nền hành chính vì dân chứ không phải “hành là chính” như người dân từng than phiền. Đó cũng là một cách hành xử theo hướng tôn trọng người dân của cơ quan công quyền.
Chẳng hạn, với các vụ việc kiểu như: Thực phẩm chứa chất nguy hại tới sức khỏe người dân, nước sạch bị ô nhiễm, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, xây dựng trái phép,… thì người đứng đầu các cơ quan quản lý lĩnh vực đó phải đứng ra xin lỗi người dân, thậm chí, phải từ chức, chứ không phải sau khi công luận lên tiếng người ta mới “xuất hiện” để “nói cho rõ” nguyên nhân. Việc ngăn chặn ngay từ đầu để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc dường như còn rất mới!?
Rõ ràng, còn nhiều lắm những bức xúc từ cơ sở chưa được tỏ bày, còn đó với bao câu hỏi về hiệu lực thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền!? Ở đây, hiệu lực của pháp luật, những vướng mắc về quan hệ, mâu thuẫn địa phương trong cách xử lý... vẫn dai dẳng tồn tại!? Qua đó cho thấy, hiệu lực và hiệu quả của các cấp chính quyền dường như chưa làm người dân an lòng; đang làm cản trở hàng loạt nỗ lực của Chính phủ trong tiến trình cải cách hành chính. Một sự nhất trí cao trong các phòng họp chưa thực sự được đồng lòng trong hành động nơi thực tiễn. Nếu ở đâu người dân vẫn còn kêu về sự chậm trễ trong hành xử của cơ quan công quyền, nơi đó cần phải xem lại cách bố trí người, cách dụng nhân. Và trên hết là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan dân cử cấp đó.
Vậy nhưng, việc lắng nghe những những ý kiến đóng góp, biết nghe những lời trách cứ, phê phán của dân không phải nơi nào cũng thực hiện được. Làm sao để điều đó không là nỗi ám ảnh, thực sự là những điều cần thiết, là tấm gương soi mà người lãnh đạo, bộ máy hành chính cần có, cần sử dụng thường xuyên như một trong những công cụ để tự hoàn thiện mình?
Điều này không dễ! Một sự thay đổi trong tư duy là cần thiết. Bên cạnh đó, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân trong hoạt động lãnh đạo và luật hóa quyền phê phán của người dân đối với hoạt động của cá nhân người lãnh đạo. Đó cũng là công việc bức bách trong khuôn khổ dân chủ hóa đời sống chính trị, xã hội.