Trao tặng hơn 5.000 cây vả cho nông dân

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:02, 05/12/2019

(TN&MT) - Hơn 5.000 cây vả giống đã được tặng cho người dân Thừa Thiên Huế để phát triển vùng nguyên liệu, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, giảm khai thác trái phép tài nguyên rừng.

Trao cây giống và phân hữu cơ cho các hộ dân

Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Lộc Mai (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa phối hợp cùng Dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức buổi lễ bàn giao 5.000 cây vả giống được sản xuất bằng kỹ thuật chiết cành cho 70 hộ dân trồng vả tại xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) để phát triển vùng nguyên liệu với diện tích hơn 18ha.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ tiểu dự án “Bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu cây vả và chế biến các sản phẩm từ trái vả, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế bền vững cho người dân tại huyện Phú Lộc, trong khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã” do Công ty Lộc Mai và Dự án Trường Sơn Xanh phối hợp thực hiện từ tháng 4/2019.

Dự án nhằm tạo sinh kế bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã; giảm nguy cơ săn bắt động vật hoang dã và khai thác trái phép tài nguyên rừng. Đồng thời, đẩy mạnh việc bảo tồn nguồn gen của cây vả trong tự nhiên và góp phần duy trì đa dạng sinh học cho khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia Bạch Mã.

Trao đổi với PV, ông Mai Quốc Bảo - Giám đốc Công ty Lộc Mai cho biết, dự án Trường Sơn Xanh còn phối hợp với công ty tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, tặng cây vả giống được sản xuất bằng kỹ thuật chiết cành và phân bón cho hàng trăm hộ tham gia dự án tại địa bàn các xã Lộc Bình, Lộc Tiến, Lộc Hòa và thị trấn Phú Lộc của huyện Phú Lộc với tổng kinh phí khoảng 2,25 tỉ đồng.

Công ty Lộc Mai ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các tổ hợp tác trồng vả

Với khẩu hiệu “Liên kết để phát triển sinh kế bền vững”, trong 6 tháng vừa qua, công ty đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật như tổ chức 9 lớp tập huấn hướng dẫn đăng ký, thành lập tổ hợp tác, 18 lớp tập huấn về kỹ thuật phục tráng, chiết cành, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản quả vả cho các hộ tham gia, đồng thời quy hoạch được vùng nguyên liệu vả với tổng diện tích 18,8 ha. Các hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và sự tham gia nhiệt tình của các hộ nông dân. Hiện tại, đã có 5 tổ hợp tác phục tráng cây vả và 10 tổ hợp tác trồng vả được thành lập được với sự tham gia của hơn 264 hộ gia đình, dự kiến mỗi hộ sẽ tăng thêm thu nhập khoảng 2 triệu đồng từ hoạt động trồng vả. Để tạo lòng tin cho bà con, công ty đã xây đựng và vận hành thành công mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm quả vả thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa công ty và 5 tổ hợp tác phục tráng cây vả...”, ông Bảo cho hay.

Tại lễ bàn giao, Công ty Lộc Mai cũng đã thực hiện ký kết 10 hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 10 tổ hợp tác trồng vả vừa thành lập. Với sự hỗ trợ của dự án, công ty cung cấp toàn bộ cây giống, hỗ trợ 12,5 tấn phân hữu cơ vi sinh và công chăm sóc cây vả trong 2 năm đầu cũng như cử cán bộ hỗ trợ các vấn đề kỹ thuật cho các hộ gia đình.

Theo ông Trần Văn Tiềm - Điều phối viên dự án Trường Sơn Xanh của USAID tại Thừa Thiên Huế, trong thời gián tới, phía dự án sẽ hỗ trợ Công ty Lộc Mai đẩy mạnh tiêu thụ các loại sản phẩm từ quả vả thông qua việc tăng cường các hoạt động marketing, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sản phẩm và năng lực quản trị của công ty. Qua đó, đóng góp vào mục tiêu nâng cao sinh kế và an sinh xã hội cho cộng đồng dân cư sống tại vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã, giảm nguy cơ săn bắt động vật hoang dã và khai thác trái phép tài nguyên rừng...

Được biết, dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ với tổng vốn 24 triệu đô la Mỹ, được triển khai từ năm 2016 - 2020. Dự án được triển khai tại 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, trong đó tại Thừa Thiên Huế được triển khai tại các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà.

Dự án đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền, khối tư nhân và cộng đồng tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế nhằm hỗ trợ hai tỉnh chuyển đổi sang sự phát triển thông minh với khí hậu, góp phần tăng cường quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng của các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Văn Dinh