Hiến kế cho chính sách phòng, chống tham nhũng

Trong nước - Ngày đăng : 17:29, 04/12/2019

(TN&MT) - Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ trong năm 2019 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra tại Hà Nội cho biết: Năm 2019 tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm.

Để tiếp tục tiếp thu các sáng kiến phục vụ hiệu quả cho hoạt động phòng chống tham nhũng, vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức đăng cai Hội nghị khu vực lần thứ 10 Sáng kiến Chống tham nhũng Châu Á – Thái Bình Dương.

Tại đây đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp rất sát thực của các chuyên gia, các bộ ngành nhằm giám sát các hoạt động có khả năng phát sinh tham nhũng của hệ thống quản lý Nhà nước:

Ông Lê Quốc Đạt, Phó Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 100% địa phương không công bố danh mục dự án PPP.

Tính đến thời điểm hiện tại, các Bộ, ngành, địa phương đã ký kết, thực hiện tổng cộng 336 dự án PPP với tổng vốn đầu tư khoảng 1.609.295 tỷ đồng cho đầu tư phát triển hệ thống kết cầu hạ tầng quốc gia.

Ông Lê Quốc Đạt, Phó Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh Thu Trang

Về loại hợp đồng, chủ yếu thực hiện theo hình thức BOT và BT (140 dự án BOT, 188 dự án BT).Về lĩnh vực, chủ yếu thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải (220 dự án), hạ tầng kỹ thuật 32 dự án, năng lượng 18 dự án…

Ông Đạt cũng cho biết, qua quá trình thanh tra tại một số địa phương có số lượng lớn dự án PPP thì phơi bày một thực trạng chung là 100% địa phương đều không công bố danh mục dự án theo quy định.

Một vài địa phương thực tế đã hoàn thành việc xây dựng danh mục, nhưng bằng cách nào đó, vịệc lấy ý kiến và công bố danh mục lại không được triển khai. Cũng vì không phải công khai, nhà đầu tư tiếp tục không có động lực để tham gia các dự án trong danh mục do cơ quan quản lý nhà nước lập mà tự đề xuất để tối ưu hoá các lợi ích của mình ngay từ khi lập đề xuất dự án. Trên thực tế, tất cả các dự án PPP được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thanh tra trong giai đoạn này đều do nhà đầu tư đề xuất và có tổng mức đầu tư ( cơ sở để xác định giá trị hợp đồng dự án PPP) cao hơn nhiều so với giá trị công trình phải thực hiện.

Ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Áp dụng Hệ thống quản lý chống hối lộ trong các cơ quan hành chính, dịch vụ công tại Việt Nam

Các chính phủ, các tổ chức quốc tế và khu vực đều chung tiếng nói trong cuộc chiến chống lại vấn nạn tham nhũng nói chung và hành vi hối lộ nói riêng. Nhiều thoả thuận, công ước quốc tế chống hối lộ được xây dựng và thông qua  như: Công ước về đấu tranh chống hối lộ của người thực hiện nhiệm vụ ông nước ngoài trong giao dịch quốc tế và các tài liệu liên quan của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Công ước của Liên Hiệp quốc về Chống tham nhũng, Quy tắc chống tham nhũng của Phòng Thương mại quốc tế ... Và phần lớn các quốc gia đã và đang luật hoá việc phòng, chống hối lộ. Tuy nhiên, để việc thực thi luật pháp về phòng, chống hối lộ có hiệu quả thì các tổ chức, cá nhân cũng phải có trách nhiệm và chủ động tham gia vào đấu tranh chống hối lộ.

Tháng 6 năm 2016 Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế ISO đã ban hành Tiêu chuẩn quốc tế ISO 37001:2016 Hệ thống quản lý chống hối lộ - Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng. Tiêu chuẩn ISO 37001:2016 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn ISO/TC 309 Điều hành tổ chức xây dựng với sự tham gia 72 quốc gia thành viên (52 thành viên chính thức và 20 thành viên quan sát) với hơn 120 chuyên gia cùng với đại diện của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kính tế (OECD), Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) và Phòng Thương mại Quốc tế. Điều này cho thấy sự đồng thuận mang tính toàn cầu trong hoạt động phòng, chống hối lộ trong các vấn đề cần xây dựng một hệ thống quản lý chống hối lộ để làm cơ sở cho các tổ chức, doanh nghiệp triển khai áp dụng trên phạm vi trên toàn thế giới.

ISO 37001:2016 có thể áp dụng cho tất cả các tổ chức, không phụ thuộc vào loại hình, quy mô và bản chất của các hoạt động, cũng như lĩnh vực hoạt động, như khu công, tư hoặc phi lợi nhuận. Các rủi ro về hối lộ mà tổ chức phải đối mặt thay đổi tuỳ thuộc vào các yếu tố như quy mô của tổ chức, địa điểm và lĩnh vực hoạt động của tổ chức, tính chất, quy mô và mức độ phức tạp của các hoạt động  của tổ chức. Tiêu chuẩn này quy định việc áp dụng các chính sách, thủ tục, kiểm soát của các tổ chức hợp lý và thích hợp với rủi ro của việc hối lộ mà tổ chức phải đối mặt.

Năm 2018 tiêu chuẩn quốc tế ISO 37001:2016 được Bộ Khoa học và Công nghệ VN chấp nhận thành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 37001:2018 với những yêu cầu hoàn toàn tương đương.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI: Liêm chính là trái tim của cộng đồng doanh nghiệp

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI. Ảnh Thu Trang

Tại Hội nghị khu vực lần thứ 10 Sáng kiến Chống tham nhũng Châu Á – Thái Bình Dương đang diễn ra tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc cho biết: Kinh doanh liêm chính là nói không với tham nhũng và không dùng quan hệ cá nhân để đạt được mục đích kinh doanh một cách không chính đáng. Xây dựng văn hóa kinh doanh và thực hiện kinh doanh liêm chính đang là một yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp. Vì chỉ có kinh doanh liêm chính, chỉ có quyết liệt phòng chống tham nhũng, mới góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.

Trước hết phải nói rằng, nạn tham nhũng, hay chính là sự không liêm chính, đang là vấn nạn phổ biến trên thế giới và cả Việt Nam. Phòng, chống tham nhũng và kinh doanh liêm chính là một yêu cầu rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Như chúng ta đã biết, nạn tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt, ở Việt Nam diễn ra khá phổ biến, chủ yếu xuất hiện trong các quan hệ công chức Nhà nước với các DNNVV.

Tham nhũng, theo các chuyên gia tính toán, mỗi năm chiếm tới 5% GDP toàn cầu. Ở Việt Nam tỷ lệ này cũng không nhỏ. Hậu quả của tham nhũng là làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, làm tăng chi phí của doanh nghiệp và đặc biệt gây bất ổn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, tàn phá môi trường kinh doanh, làm suy giảm lòng tin của doanh nghiệp và xã hội, phân bổ nguồn lực không hiệu quả… Không riêng ở Việt Nam mà ở các nước đang phát triển nói chung, tham nhũng đang tác động lớn đến sự phát triển.

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh Thu Trang

Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật đang được hoàn thiện nhưng thực tế còn nhiều điểm chưa thực sự được minh bạch, còn chồng chéo, vô hình trung đã trở thành điều kiện cho tham nhũng phát triển. Theo tôi, “mảnh đất màu mỡ” nhất cho tham nhũng vặt chính là khu vực DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ, đặc biệt là khu vực kinh tế hộ gia đình với mô hình quản trị còn rất sơ khai. Lợi dụng điều đó, không ít công chức Nhà nước đã có hành vi tham nhũng vặt khiến doanh nghiệp không thể liêm chính trong kinh doanh.

Đầu tiên phải chuẩn hóa, minh bạch hóa bằng việc đưa kinh tế hộ gia đình vào Luật Doanh nghiệp với tư cách là đối tượng điều chỉnh để giúp nâng cấp quản trị đồng thời minh bạch những quy định pháp lý liên quan đến họ. Điều này sẽ giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng vặt và xây dựng kinh doanh liêm chính ở khu vực doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất.

Bên cạnh đó, phải giúp doanh nghiệp nhận thức rõ liêm chính trong kinh doanh là một yêu cầu cho sự phát triển bền vững của chính mình và cũng là trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước trong việc xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính, lành mạnh để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Quảng Minh - Thu Trang